Khái niệm “công chúa Disney” xuất hiện từ đầu những năm 2000 sau khi Andy Mooney – chủ tịch công ty phân phối sản phẩm tiêu dùng của Disney nhận thấy có rất nhiều bé gái mặc trang phục của các nữ anh hùng Disney như Bạch Tuyết, Lọ Lem. đi đến Disneyland. Sau đó, đội hình công chúa Disney xuất hiện và có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp giải trí, giúp thúc đẩy doanh thu của Disney và mở ra một khái niệm mới về phân chia nhân vật. Nhưng cho đến nay, Disney mới chỉ công nhận 12 nhân vật là công chúa chính thức.
Bạch Tuyết là nàng công chúa đầu tiên của Disney, cũng là nữ chính của một trong những dự án đặt nền móng cho Disney. Khi đó, khái niệm “công chúa Disney” vẫn chưa hình thành và cô phải đợi đến gần 80 năm mới được chính thức công nhận, đây cũng là khoảng thời gian dài nhất trong số 12 cô gái.
Theo sau Bạch Tuyết là Lọ Lem (năm 1950) và “công chúa ngủ trong rừng” Aurora (năm 1959). Mãi đến 3 thập kỷ sau, Disney mới chào đón nàng công chúa tiếp theo gia nhập – nàng tiên cá Ariel.
Thập niên 90 chào đón nhiều công chúa nhất vào gia đình Disney từ trước đến nay, theo thứ tự là Belle (Người đẹp và quái vật), Jasmine (Aladdin), Pocahontas và Hoa Mộc Lan. Vào những năm 2000 và 2010, cấp bậc của các công chúa nhà Chuột bắt đầu đa dạng hơn, chẳng hạn như đệ nhất công chúa da màu Tiana, Merida – công chúa đầu tiên và duy nhất của Pixar, hay với thành viên mới nhất là “đứa con của biển cả” Moana.
Cho đến nay, Disney mới chỉ công nhận 12 nàng công chúa chính thức, còn lại những cái tên khác đều chỉ là tham khảo hoặc do khán giả tự đặt. Những cái tên như Raya – nữ chiến binh lấy cảm hứng từ Việt Nam và văn hóa Đông Nam Á, hay Mirabel của bom tấn Oscar Encanto đều không phải là công chúa chính thức của Disney.
Ngoài ra, Disney cũng “trục xuất” 2 nữ chính khỏi hàng ngũ công chúa chính thức mà thực tế danh sách này có tới 14 cô gái. Nàng tiên Tinkerbell trong Peter Pan và Esmeralda trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà không đủ điều kiện để tiếp tục làm “công chúa”. Chưa kể, một số công chúa “nhập khẩu” khác như Leia của Star Wars, hay Neytiri của Avatar cũng không được coi là chính thức dù Fox hiện đã là một phần của Disney.
Bất chấp điều đó, công chúa Disney vẫn là một khái niệm mở đối với khán giả. Nhân vật nào cũng có thể được coi là “công chúa” trong lòng người hâm mộ, miễn đó là nhân vật tốt, truyền cảm hứng và đại diện cho những điều ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống.
Nguồn: Disney
Bài viết gốc: https://gamek.vn/disney-chi-cong-nhan-12-nang-cong-chua-chinh-thuc-co-2-cai-ten-bi-loai-dang-tiec-178221213112120302.chn