Aphrodite (Hy Lạp)
Nhắc tới nữ thần tình yêu, Aphrodite hẳn là cái tên đầu tiên nhiều người nghĩ đến. Vị nữ thần Hy Lạp cổ đại này tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân và sắc đẹp. Nàng kết hôn với thần Hephaistos, nhưng cũng có rất nhiều tình nhân khác – nổi tiếng nhất có lẽ là cuộc tình của nàng với thần chiến tranh Ares.
Cupid (La Mã)
Cupid là con trai của Venus, nữ thần tình yêu và sắc đẹp của La Mã.
Trong thần thoại La Mã cổ đại, Cupid là hiện thân của thần tình yêu Eros. Qua thời gian, Cupid trở thành hình ảnh một đứa trẻ dễ thương với đôi cánh thiên thần sau lưng, ban phát tình yêu bằng cách bắn các mũi tên phép thuật. Cupid yêu thích kết hợp các cặp đôi kỳ lạ với nhau, cho đến khi chàng phải long nàng Psyche.
Eros (Hy Lạp)
Mặc dù ít được biết đến hơn, nhưng Eros cũng là một vị thần tình yêu trong thần thoại Hy Lạp, cụ thể là tượng trưng cho những rung động và khao khát đầu tiên của con người khi yêu nhau.
Eros là con trai của Aphrodite, và tình yêu mà Eros mang đến luôn có vẻ thiên về ham muốn hơn. Thực chất, từ “erotic” bắt nguồn từ chính tên của Eros.
Frigga (Bắc Âu)
Frigga là vợ của vị thần tối cao Odin, bà là nữ thần của gia đình, sự sinh sản và tình yêu trong thần thoại Bắc Âu.
Frigga là người duy nhất ngoài Odin được ngồi lên ngai vàng của ông, Hlidskjalf,và đôi khi bà còn được tôn vinh là Nữ hoàng của Thiên đàng. Ngày nay, nhiều tôn giáo Bắc Âu ngoại đạo tôn thờ Frigga như là nữ thần của hôn nhân và tiên tri.
Hathor (Ai Cập)
Hathor là vợ của thần mặt trời, Ra, được biết đến là một trong những vị nữ thần quyền năng nhất trong thần thoại Ai Cập. Thời cổ đại, nàng gắn liền với hình ảnh con bò cái, hoặc xuất hiện cùng một con bò cái, vì vai trò của nàng là một người mẹ và người vợ.
Sau này, Hathor được xem là nữ thần của sự sinh sản, tình yêu và ham muốn.
Hera (Hy Lạp)
Hera là nữ thần bảo hộ cho hôn nhân, gia đình và trẻ em trong thần thoại Hy Lạp. Nàng là vợ và chị của Zeus, vì thế được xem là nữ hoàng của các nữ thần trên đỉnh Olympus.
Mặc dù Hera đã là vợ của Zeus, nàng lại luôn gặp phiền toái vì thói trăng hoa của chồng mình, vì thế phần nhiều thời gian nàng luôn phải đi “đánh ghen” với tình nhân của chồng.
Juno (La Mã)
Trong thần thoại La Mã, Juno là nữ thần bảo hộ cho phụ nữ và hôn nhân. Tên của nàng gắn liền với tháng sáu (June), nhưng lễ hội dành cho nàng lại được tổ chức vào tháng ba. Đây là những tháng mùa hè gắn liền với các lễ cưới. Trong ngày hội Matronalia, phụ nữ sẽ được nhận quà từ chồng và con gái mình, cho phép các nữ nô lệ được phép nghỉ ngơi.
Parvati (Hindu, Ấn Độ)
Parvati là vợ của vị thần Hindu – Shiva, nàng là nữ thần của tình yêu và sự cống hiến. Nàng là một trong số rất nhiều hiện thân của Shakti, vị nữ thần quyền năng nhất vũ trụ. Tình yêu giữa nàng và Shiva đã dạy cho vị nam thần này hạnh phúc, và vì thế, Shiva không chỉ là một vị thần hủy diệt, mà còn là vị thần tượng trưng cho nghệ thuật, các điệu múa. Nếu không có Parvati, Shiva sẽ không được hoàn thiện.
Venus (La Mã)
Venus là vị nữ thần tương đương với Aphrodite trong thần thoại La Mã, tượng trưng cho tình yêu và sắc đẹp.
Ban đầu, nàng là vị nữ thần của mùa màng và các khu vườn, nhưng sau này đã được thêm thắt các đặc điểm của Aphrodite. Nàng cũng có vô số tình nhân, cả người trần và các vị thần.
Vesta (La Mã)
Mặc dù Vesta là vị nữ thần đồng trinh của phụ nữ, nàng cũng được người La Mã tôn thờ cùng Juno như là thần tình yêu. Nàng tượng trưng cho danh dự, sự thanh khiết và chung thủy của người phụ nữ trong hôn nhân, vì thế nàng rất được tôn trọng.
Vào mùa hè, Vesta cũng được tổ chức lễ hội để tôn vinh cùng Juno.
Nguồn: Gamek.vn