Có lẽ ai cũng biết rồi, súng hỏa mai hay còn gọi là súng điểu thương vốn là 1 trong những loại súng sơ khai nhất của nhân loại, đã từng khiến cho cục diện của nhiều trận chiến trong quá khứ phải thay đổi. Vậy, bạn có biết loại vũ khí này đã ra đời như thế nào không?
Những khẩu súng đầu tiên – với hỏa lực quá yếu đã gần như chẳng thể ngăn cản được những bộ giáp trụ loại tốt qua thời gian, khi không thể làm sứt mẻ được chúng. Nhưng cho đến thời điểm khoảng giữa thế kỷ 15 Sau Công Nguyên, chúng bắt đầu tiến hóa, cụ thể là những khẩu Arquebus ra đời và khiến cho thế trận đảo chiều. Là 1 trong những khẩu súng hỏa mai đầu tiên, Arquebus được kích hoạt bằng cách dí 1 sợi thừng cháy chậm vào lỗ chứa thuốc súng khô và “bùm”.
Nhờ hỏa lực đủ để xuyên thủng giáp trụ, nó là khẩu súng đầu tiên được sử dụng đại trà bởi quân đội các nước châu Âu. Nhưng cũng vì là súng hỏa mai sơ khai, nên ưu điểm của chúng có ít mà nhược điểm thì nhiều. Cụ thể, chúng có độ chính xác không được cao lắm, dễ giật (đủ để thổi bay tay người dùng ý chứ), không dùng được khi quá ẩm (ví dụ như trời mưa), tốc độ đạn bay chậm, không thể xuyên được giáp từ khoảng cách xa, rồi đủ những trường hợp khác.
Như các bạn vừa đọc, Arquebus sẽ trở nên vô dụng trước những bộ giáp này nếu khai hỏa ở khoảng cách quá xa, nhưng nếu tiếp cận được thì nó dư sức tiễn mấy ngài hiệp sĩ về nơi chín suối. Bên cạnh đó, Arquebus cũng không đòi hỏi quá trình luyện tập trọn đời như trường cung Anh, mà chỉ tốn chút thời gian để nắm bắt mà thôi. Ắt hẳn là những hiệp sĩ bị hạ gục sẽ bị tổn thương cả về thể xác lẫn tâm hồn đây, vì có thể họ vừa bị những gã nông dân nghèo hèn (mà họ từng coi như cỏ rác), lại hạ gục họ dễ dàng chỉ bằng 1 thứ vũ khí quái gở.
Và như thế, dù súng hỏa mai chẳng thể chính xác như trường cung, nạp đạn thì rõ lâu, lại còn dễ bị phát nổ trong tay của người dùng nữa, nhưng nó lại thổi bay được cái nụ cười khẩy đáng ghét lẫn tinh thần của những hiệp sĩ. Bên cạnh đó, nó cũng có thể bắn đi từ những lỗ châu mai nhỏ trong khi thủ thành, hay làm cho ngựa của đối phương phải sợ mất vía.
Nhờ vào sự khai sinh của Arquebus, hàng loạt những vũ khí như súng hỏa mai đá lửa ra đời và tiếp tục khuynh đảo chiến trường. Dĩ nhiên, thứ vũ khí này cũng được du hành đến các nước châu Á và trở thành những món vũ khí được trang bị hàng loạt, như Trung Quốc (đặc biệt là nhà Thanh), Nhật Bản (nổi tiếng nhất là khẩu Tanegashima) và dĩ nhiên là cả Việt Nam nữa.
Nhật Bản phong kiến khá ưa chuộng loại súng hỏa mai Tanegashima.
Tại Việt Nam, súng hỏa mai là thứ vũ khí phổ dụng kể từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Các chúa phong kiến lớn như vua nhà Lê, vua nhà Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều trang bị súng hỏa mai với số lượng khổng lồ cho quân đội. Sử sách lẫn văn học đều ghi chép các trận đánh thời đại này tựa như “đạn bay như sao sa”, quả thực là 1 sự thay đổi lớn về mặt quân sự của nước ta.
Đến đầu triều Nguyễn, súng hỏa mai dùng mồi thừng hoặc đá lửa dần dần bị thay thế bằng súng trường tiên tiến hơn, sử dụng hạt nổ và vỏ đạn tương tự phương Tây bấy giờ. Tuy nhiên, sau thời Minh Mạng, do quốc lực hao kiệt, súng trường lại bị hỏa mai thế chỗ, nhưng với số lượng khiêm tốn hơn nhiều lần so với các thế kỷ trước.
Trong những năm trước khi Pháp xâm lược, trung bình cứ 10 lính nhà Nguyễn thì chỉ có 1 người là có súng hỏa mai. Đến giữa Thế kỷ 19, khi quân Pháp xâm lược, trước sức mạnh của đối phương được trang bị những súng trường với số lượng lớn và chất lượng hiện đại, nhà Nguyễn chỉ với súng hỏa mai với số lượng ít và chất lượng thì lỗi thời đã thất bại nhanh chóng.
Nguồn: Gamek.vn