Phần hóa thạch còn lại của một quả trứng khủng long được phát hiện ở Nhật Bản năm 1965, chính thức công nhận là thuộc về một loài chưa được biết đến trước đây.
Mainichi dẫn thông tin trong một bài báo được đăng trên tạp chí khoa học ngày 16.3 cho hay, nhóm khoa học ở tỉnh Fukui và Bảo tàng khủng long Fukui tìm thấy vị trí của loài mới, có tên gọi là Multifissoolithus shimonosekiensis.
Theo thông báo ngày 16.3 của chính quyền thành phố Shimonoseki, tỉnh Yamaguchi, hóa thạch trứng được tìm thấy ở lưu vực thượng lưu sông Ayaragi trong thành phố vào tháng 9.1965 bởi học sinh trung học tên Yoshiharu Shimizu.
Shimizu đã chụp ảnh, phác thảo chi tiết về phát hiện này và giữ tất cả chúng ở nhà. Năm 2017, Đại học Fukui và các cơ quan khác bắt đầu phối hợp thực hiện các cuộc điều tra về tài liệu này.
Hóa thạch trứng có chiều dài 10 cm và có niên đại từ 100 triệu đến 120 triệu năm, từ thời kỳ kỷ Phấn Trắng.
Bài báo đề cập hóa thạch trứng tương tự đã tìm thấy ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc và tỉnh Gyeonngi, Hàn Quốc. Tuy nhiên, sự phát hiện của Shimizu khác ở chỗ vỏ trứng dày hơn 3 milimet và bề mặt quả trứng có vết nứt rộng hơn. Do đó, các nhà khoa học nhận định đây là loài mới.
Takuya Imai, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu khủng long thuộc Đại học Fukui và là một trong những tác giả của bài báo chia sẻ: “Có thể vào thời điểm đó, khủng long này cũng sống ở Trung Quốc và Hàn Quốc”.
“Thật hạnh phúc khi nó chính thức được công nhận là loài mới”, Shimizu bày tỏ.