Nếu như đã từng đọc truyện của Ito Junji, bạn sẽ không còn xa lạ với không khí quái đản, rùng rợn trong các tác phẩm của vị họa sĩ này. Có rất nhiều yếu tố làm nên sự kinh dị trong truyện tranh Ito Junji, nhưng dưới đây là ba điều quan trọng nhất.
1. Cơ thể con người
Chúng ta thường coi con người là một thể thống nhất của tâm trí, thể xác và linh hồn. Đó là những điều quan trọng nhất để làm nên chúng ta, nhưng chỉ một trong số đó là hữu hình – cơ thể con người.
Cảm hứng kinh dị từ biến dạng cơ thể người đã được sử dụng từ rất lâu, trong phim ảnh, tiểu thuyết lẫn truyện tranh. Cảm giác rằng thứ thuộc về mình, khiến bản thân tồn tại và hoàn chỉnh có thể bị bóp méo, trở nên dị thường khiến người ta sợ hãi. Yếu tố này đã được sử dụng thành công và khéo léo trong các tác phẩm của Ito Junji, nhưng không chỉ dừng lại ở việc cơ thể bị tổn thương hay biến dạng như những truyện kinh dị bạo lực khác, mà còn bất khả thi trong thực tế.
Một trong những ví dụ nổi bật là truyện ngắn The Enigma of Amigara Fault. Sau một trận động đất ở núi Amigara, những cái hố hình người xuất hiện ở sườn núi. Kỳ lạ hơn là có vẻ như mỗi người đều có một cái hố riêng cho mình, khớp với cơ thể một cách hoàn hảo. Những người kéo đến đây đều bị thôi thúc bước vào cái hố của chính mình, và điều khủng khiếp là sau khi họ đi đến đầu bên kia của cái hố người, cơ thể họ đã bị biến dạng tới khủng khiếp.
Với tác phẩm này, Ito đã tiến một bước xa hơn việc vẽ một cơ thể tổn thương hay biến dạng thông thường. Những đặc điểm về cơ thể người bị đảo ngược hoàn toàn, khiến người đọc băn khoăn liệu những nạn nhân đó có còn là con người, và liệu chuyện tương tự có thể xảy ra với mình không.
2. Kinh dị tâm lý
Cách Ito sử dụng cơ thể người bị biến dạng trong truyện tranh của mình mang đến những hiệu ứng tốt hơn và ám ảnh hơn cho tác phẩm, điều này được thể hiện rất tốt bằng nét vẽ tài tình. Tuy vậy, cốt truyện của Ito lại là kinh dị tâm lý, tấn công vào những yếu điểm trong tâm trí con người – đây là yếu tố quan trọng nhất và mạnh mẽ nhất mà những bộ truyện tranh kinh dị hay thậm chí phim ảnh nên sử dụng.
Ito có xu hướng bắt nhân vật phải trải qua những tổn tương tâm lý và dần dần mất đi chính mình, gieo rắc cho chúng ta nỗi sợ hãi rằng điều tương tự có thể xảy ra với tâm trí chúng ta. Yếu tố kinh dị tâm lý qua tay Ito Junji trở nên thật khác biệt và độc đáo, “ném” những nhân vật vào những nỗi ám ảnh kinh hoàng, trở nên điên dại tới vô lý và điều này chính là chất xúc tác cho những tình huống xảy ra trong truyện.
Ví dụ điển hình cho yếu tố này chính là truyện Library of Illusions, kể về Goro – người sở hữu một thư viện bố mẹ mình để lại và cố gắng bảo vệ nó. Chuyện bắt đầu khi có hai cuốn sách bị mất, anh tin rằng cách duy nhất để bảo vệ thư viện là nhớ toàn bộ nội dung từng cuốn sách. Sự ám ảnh trở thành cơn điên loạn, sau khi ghi nhớ 150.000 cuốn sách, tâm trí của anh ta quá tải và không thể nhớ nổi mình là ai hay cái gì.
3. Linh hồn
Chúng ta đã khám phá về hai yếu tố quan trọng nhất trong truyện tranh Ito Junji – thể xác và tâm trí. Vậy còn linh hồn? Sự kinh dị mà Ito đã tạo ra chủ yếu về sự thay đổi khái niệm: Từ con người đến không phải con người; từ nỗi ám ảnh trở thành cơn điên loạn phi lý, và “bản thân” trở thành “thứ khác”.
Để nói về điều này, chúng ta phải đề cập đến khái niệm “Thung lũng Uncanny”, một điểm trong nhận thức con người mà ở nơi đó, chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc nghi ngờ bản chất của chính mình và người khác. Một ví dụ nhỏ để hiểu rõ điều này là con ma-nơ-canh biết hát trong một đoạn video trên Youtube. Bạn thấy rùng rợn, phải không? Lý do bởi tâm trí chúng ta cho rằng đó không phải con người, nhưng nó lại có cử động, gương mặt và cơ thể người. Sự nghi ngờ chính là Thung lũng Uncanny.
Với Ito Junji, Hellstar Remina là ví dụ điển hình. Bộ truyện tranh kể về môt hành tinh mới được khám phá ngoài vũ trụ, nhưng sự kinh dị bắt đầu khi mọi người phát hiện ra hành tinh này đang ăn tất cả những thứ xung quanh nó và ngày càng gần Trái Đất.
Ito đã khéo léo kéo tâm trí người đọc vào Thung lũng Uncanny: ông bắt đầu với một thứ quen thuộc là vũ trụ và những hành tinh, sau đó thêm thắt vào những điều kỳ dị: hành tinh này có mắt, có lưỡi và miệng để ăn, và có khẩu vị. Ito chơi đùa với những gì con người đem ra làm thước đo, để rồi khiến chúng ta nghi ngờ những khái niệm, định nghĩa về thế giới và chính mình.