Bioshock Infinite
Bioshock Infinite là một trong những tựa game có thể chia cắt người chơi thành hai phe: một bên hoàn toàn yêu thích và một bên thì cực kì căm ghét nó. Tuy nhiên có một điểm mà cả hai phe đều đồng ý, đó là cốt truyện của game rất phức tạp.
Câu truyện của game xoay quanh thuyết đa vũ trụ, một học thuyết của cơ học lượng tử cho rằng mỗi kết cục của mỗi biến cố đều khiến không-thời gian phân nhánh và dẫn tới vô vàn vũ trụ song song. Khác biệt giữa các vũ trụ có thể rất lớn, như Hitler chiến thắng Thế Chiến II hay sáng nay bạn xỏ chân phải vào giày thay vì chân trái. Những vũ trụ song song gây ra vô vàn tình huống khó hiểu trong Bioshock Infinite, chẳng hạn như nhân vật chính có thể nhìn thấy bản thân mình đã chết.
Kết cục của game mới thật sự kì quái và có thể khiến người chơi đặt câu hỏi về sự tồn tại của bản thân. Không chỉ có vậy, còn rất nhiều thông tin (nhưng chưa phải tất cả) mà người chơi phải xử lý được giấu trong những đoạn audio log rải rác trong game. Hãy sẵn sàng tinh thần chơi đi chơi lại vài lần nếu muốn hiểu rõ tựa game này.
Dòng game Assassin’s Creed
Đến thời điểm này gần như không ai có thể dám chắc chuyện gì đang xảy ra với mạch truyện chính của Assassin’s Creed. Tựa game đầu tiên tương đối dễ hiểu dù không hề có lời giải thích nào về thân thế của Desmond Miles. Nhưng từ phần hai trở đi, mọi thứ thực sự trở nên hỗn loạn.
Trong suốt Assassin’s Creed 2, người chơi vào vai sát thủ siêu phàm Ezio, tuy nhiên đến cuối game không hiểu vì lý do gì anh ta không kết liễu mục tiêu, thay vào đó lại khám phá ra bí ẩn về Minerva và “Những Người Đến Trước” (Precursors hay Those Who came Before). Câu truyện rối rắm từ đây, sau khi thông qua Ezio nói chuyện với những người cổ đại, Desmond được biết Trái Đất sẽ bị phá hủy bởi bão Mặt Trời, cách duy nhất ngăn chặn điều này là đi vào kí ức của Connor và tìm tới một căn hầm bí ẩn. Không hiểu vì lý do gì, việc ngăn chặn cơn bão Mặt Trời giải phóng Juno (một Precursors) và giết chết Desmond. Rốt cục hiện giờ người chơi phải vào vai một nhân viên Abstergo vô danh tính. Cho dù nước Anh trong Syndicate có vẻ rất đáng mong đợi, mạch truyện bên ngoài cỗ máy Animus giờ chỉ còn là một mớ hỗn độn.
Dòng game Souls (và Bloodborne)
Dòng game Souls và người anh em Bloodborne không có cốt truyện rối rắm hay lố bịch như những cái tên khác trong danh sách. Tuy nhiên cách cốt truyện được truyền tại khiến chúng xứng đáng được góp mặt trong bài viết này. Có rất ít lời giải thích hay dẫn dắt, thay vào đó người chơi phải tự mình nhặt nhạnh và lắp ghép các mảnh thông tin trong thế giới của game.
Không dễ gì để có được thông tin, và kể cả khi tìm thấy chúng có thể được diễn giải theo bất kì cách nào. Mỗi đoạn hội thoại, phim cắt cảnh và kể cả phần mô tả của item đều cần được phân tích kĩ lưỡng nếu muốn hiểu được chuyện gì đang diễn ra.
Không hề phức tạp nhưng cũng không dễ nắm bắt, hiểu được cốt truyện dòng game Souls đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ kiên nhẫn chắp vá các thông tin lẻ tẻ cũng như trí tưởng tượng của bạn.
Chrono Cross
Chrono Cross là hậu bản của Chrono Trigger, một trong những tựa game được đánh giá cao nhất của Square Enix, cũng như một trong những game RPG tuyệt vời nhất từng được tạo ra. Đáng buồn là nó không thể nào đạt được tầm cỡ của người tiền nhiệm, một phần là do cốt truyện quá ư hại não.
Khó có thể coi thứ Chrono Cross mang tới là “cốt truyện”, thực tế đó là một mớ bòng bong các hiện thực và chiều không gian với dàn nhân vật điều khiển được khổng lồ (trên 40 nhân vật), bao gồm rồng, người ngoài hành tinh, củ cải, búp bê bị yểm bùa và đô vật. Hầu hết không liên quan tới cốt truyện chính trong game nhưng đa số lại đều sở hữu câu chuyện đồ sộ của riêng mình.
Tất cả làm nên một tựa JRPG với nội dung cực kì phức tạp. Người chơi khó thể nắm được cái gì đang xảy ra và vì lý do gì, hay khi nào góc nhìn lại bị đột ngột chuyển sang một nhân vật xa lạ và không liên quan. Chính nhà phát triển cũng nhận ra điều này và phải đặt một bóng ma giải thích diễn biến câu truyện trước khi đánh boss cuối. Điều này dường như vô ích nếu như não của game thủ đã không chịu nổi và “xì khói” trước đó.
Dòng game Metal Gear
Việc có thể coi bậc thày làm game hại não Hideo Kojima là một thiên tài hay không phụ thuộc vào đam mê của bạn với dòng game Metal Gear. Không thể nói về cốt truyện phức tạp mà không đề cập tới Metal Gear Solid, ngay cả fan của dòng game cũng không thể phủ nhận điều này.
Cốt truyện của phần đầu tương đối dễ hiểu, nhưng mọi thứ trở nên rối tung sau một loạt prequel, sequel và các tựa game ăn theo khác. Son of Liberty gây shock cho người chơi khi thay nhân vật chính bằng Raiden thay vì Snake, một loạt âm mưu cũng như hé lộ về tổ chức Patriots càng góp phần làm cho mọi thứ thêm hỗn loạn. Các phiên bản về sau cũng rắc rối không kém với những vụ mưu phản, cánh tay ma biết nói, người nhân bản, siêu chiến binh và chiến tranh hạt nhân. Kèm theo những thứ trên là vài nhân vật chính khác nhau, mỗi nhân vật tại các thời điểm khác nhau lại có động lực và câu truyện khác nhau.
Dòng game Kingdom Hearts
Khi Tetsuya Nomura, cha đẻ Kingdom Hearts, được hỏi điều gì quan trọng nhất khi sáng tác cốt truyện cho một tựa game, ông trả lời đó là “sự bất ngờ”. Câu trả lời này là lý giải cho cốt truyện rối rắm và phức tạp khét tiếng của dòng game Kingdom Hearts.
Đúng như Tetsuya Nomura tuyên bố, Kingdom Hearts không thiếu những bất ngờ, nếu không muốn nói là thừa thãi. Thậm chí người chơi có thể bị bất ngờ nếu việc thứ gì đó diễn biến theo logic thông thường. Game thủ luôn ở trong trạng thái thấp thỏm đón chờ một bí ẩn nào đó được hé lộ. Hầu như mọi nhân vật trong game đều có một bản sao xấu xa, hoặc là bản sao của ai đó, hoặc có một nửa trái tim được giấu trong cơ thể ai đó và bản thân họ cũng không phải chính mình.
Các tựa game ăn theo trên những nền tảng khác nhau tiếp tục bổ sung vào cốt truyện đồ sộ, tạo ra một mớ bòng bong các mối liên kết giữa các phiên bản.