Làng game online Việt đã bước vào thập kỷ thứ hai trong quá trình hình thành và phát triển. Tuy đó là một khoảng thời gian khá dài và cực nhiều biến cố nhưng nhìn chung, vẫn có thể chia nó thành nhiều giai đoạn nhỏ với những dấu mốc hết sức đặc trưng. Sau mỗi lần như thế, người chơi đời sau lại có thêm rất nhiều trải nghiệm mới, đúc kết mới.
Tâm lý Auto chính là điều tất yếu, dẫn tới hệ lụy “ưa cái dễ” và “ngại cái khó”
Một lần nữa chúng ta phải gọi tên “người anh cả” của làng game Việt: VLTK. Đơn giản vì nó là tựa game tiên phong, đặt nền móng cho đế chế game kiếm hiệp tại Việt Nam – và trọng tâm hơn – cũng là game tạo ra sự ỷ lại khủng khiếp của cộng đồng vào cơ chế auto.
Như một hiệu ứng dây chuyền, VLTK, những game client sau nó, những Webgame võ lâm sau nó và sau này là cả dòng game nhập vai đều được cập nhật đầy đủ hệ thống auto hỗ trợ người chơi đến tận răng. Và cũng từ đó mà đã hình thành nên một lớp game thủ “game không có auto không chơi”.
Không cần nhiều tiền vẫn chơi được game, thậm chí chơi vui là đằng khác
Không ngoa khi nói rằng điều kiện “bình đẳng” giữa các game thủ nạp tiền và không nạp tiền được tạo ra nhờ các đời game casual, MOBA và esports do đặc trưng của các thể loại game này là đề cao sự đối kháng, kỹ năng cá nhân nên việc có nạp thẻ hay không cũng thực sự chẳng ảnh hưởng quá nhiều.
Sự ra đời và phát triển rầm rộ của các thể loại game này tại Việt Nam, đơn cử như DOTA, Liên Minh Huyền Thoại, PUBG, Audition… thậm chí đã tạo nên những biến cố, những thay đổi cực kỳ tích cực giúp Việt Nam có tên trên bản đồ game thế giới thông qua các giải đấu và đồng thời tạo nên một “đặc khu” thỏa mãn ước muốn “chơi game bằng thực lực” của một bộ phận lớn người chơi.
Cứ webgame là rác?
Dù hiện tại suy nghĩ này đã đỡ đi nhiều nhưng không thể phủ nhận từng có thời gian, “webgame rác” là một điều mặc định trong đầu game thủ. Điều này thì không đến từ chất lượng mà là số lượng, có nghĩa là vẫn có những webgame đáng chơi nhưng việc có quá nhiều sản phẩm “na ná” nhau ồ ạt ra mắt khiến cộng đồng dần hình thành tâm lý nghi ngờ. Đỉnh cao của dòng webgame có lẽ đã mãi xa từ thời Tru Tiên, VLCM.
Blade & Soul và thang chấm điểm mới dành cho đồ họa game Việt
Ở thời điểm 2016 về trước, thị trường game Việt vẫn hân hoan với những tựa game sử dụng đồ họa đơn giản, 2D hoặc 2.5D và thu hút game thủ nhờ gameplay. Tuy nhiên mọi sự đột phá đều cần có một cái tên tiên phong và Blade & Soul đã đảm nhận vai trò “nâng thang chấm điểm đồ họa của game online tại Việt Nam” lên một mức mới. Vẫn là những cái hay về gameplay nhưng giờ đây, đồ họa cũng là một trong số những yếu tố quan trọng bậc nhất để đánh giá mức độ “đáng chơi” của một sản phẩm mới và tính cạnh tranh cứ thế ngày càng được nâng cao.
Không hề có ý phủ nhận phần nội dung nhưng ở bối cảnh hiện tại, những tựa game online có đồ họa từ “đời Tống” thường sẽ bị game thủ ngó lơ một cách thảm hại.
Sự bùng nổ đỉnh cao của các tựa game “made in Vietnam”
Thị trường game ngày càng phát triển với số người dùng khổng lồ. Những tựa game Âu – Mỹ được ưa chuộng rộng rãi hơn cả so với game nội địa vì tính thu hút và trải nghiệm lâu dài. Song bên cạnh Flappy Bird, Việt Nam vẫn có nhiều tựa game gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng game thủ quốc tế. Đó là những bước chân đầu tiên mang game Việt ra ngoài thế giới.
Caravan War, Toy Odyssey, Metal Squad, 7554 và rất nhiều cái tên khác đã được xướng tên trên bản đồ game thế giới. Một mặt nó là dấu mốc đánh dấu thành công vang dội của thế hệ trẻ Việt Nam luôn ôm giấc mơ mang đứa con tinh thần của Việt Nam sánh ngang cường quốc năm châu, một mặt nó tạo nên niềm tin của cộng đồng dành cho “hàng Việt”, mở đường để các sản phẩm hậu duệ ngày càng cải tiến về chất lượng sau này.
Đế chế bắn súng tọa độ có thể hồi sinh
Sau sự ra đi đầy tiếc nuối của huyền thoại Gunbound, các NPH Việt Nam coi đó là một mỏ vàng và ngay lập tức đẩy ra thị trường hàng loạt những sản phẩm đánh vào bộ phận người chơi đông đảo đang trong cơn khát này. Không thể đếm hết số lượng các game bắn súng tọa độ đã từng ôm mộng “ông hoàng bắn súng tọa độ” trong những năm vừa qua, đủ mọi gameplay, cải tiến có, nguyên bản có nhưng đều không thể trụ lại. Dần dần người ta nghĩ rằng, nếu như tất cả các huyền thoại game online PC xưa đều đã có người kế nhiệm thì hóa ra, Gunbound lại không.
Tuy nhiên, sự ra đời của Gun Gun Mobile và sự bành trướng khủng khiếp của nó lại chính là dấu mốc cho thấy đế chế bắn súng tọa độ hoàn toàn có thể hồi sinh một cách mạnh mẽ và quan trọng nhất là có sức sống lâu dài. Giữ vững được những tinh hoa mà các đàn anh đi trước truyền lại, Gun Gun Mobile đã thổi hồn cho dòng game huyền thoại, đưa những trận đấu súng nghẹt thở tới với hàng triệu game thủ trẻ hiện nay. Tính cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đối thủ nào đủ tầm để nhăm nhe lật đổ ngôi Vương làng bắn súng tọa độ của tựa game này trên mobile, nhất là khi cộng đồng của nó quá lớn và quá trung thành.
Dự đoán dấu mốc trong tương lai: Sự bùng nổ của các bom tấn tầm cỡ thế giới
Theo như những thông tin thu nhận được thì làng game Việt trong nửa cuối 2020 sẽ chào đón ít nhất là 3 sản phẩm tầm cỡ thế giới nằm ở phân khúc nhập vai. Một trong số đó sẽ ra mắt trong tháng 9.
Nguồn: Gamek.vn