Tôn Quyền (181 – 252), tự Trọng Mưu, là vị quân chủ của tập đoàn chính trị Đông Ngô vào thời Tam Quốc.
Nếu so sánh với hai người đứng đầu lừng danh khác cùng thời là Tào Tháo và Lưu Bị, không khó để nhận thấy Tôn Quyền thực sự thua kém về phương diện tuổi tác.
Thế nhưng thực tế lịch sử cũng đã chứng minh điều này không hề ảnh hưởng tới việc ông dẫn dắt Đông Ngô trở thành một trong ba thế lực chư hầu tam phân thiên hạ.
Vậy liệu rằng lý do nào đã giúp một nhân vật xét trên phương diện tuổi tác chỉ có thể xếp vào hàng hậu bối như Tôn Trọng Mưu lại có đủ khả năng để tranh đoạt cùng hai kẻ địch lão làng khét tiếng là Tào Tháo và Lưu Bị?
Nguyên nhân thứ nhất: Những kinh nghiệm quý giá từ thời niên thiếu
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngay từ khi còn nhỏ, Tôn Quyền đã sớm theo người cha Tôn Kiên và anh trai Tôn Sách rong ruổi khắp các chiến trường. Vì vậy ông đối với các loại hình chiến tranh thời bấy giờ đều có không ít hiểu biết cũng như kinh nghiệm.
Đối với một tướng lãnh thời loạn thế, dạng kinh nghiệm này có thể xem là vô cùng trọng yếu. Cho nên, dù tuổi tác chỉ có thể xếp vào hàng hậu bối, nhưng độ tuổi trường thành về mặt tâm lý hay cơ mưu của Tôn Quyền tuyệt đối không hề thua kém.
Vì vậy bất kể trên phương diện hành xử hay phát ngôn, Tôn Quyền đều có thể khiến người khác nhìn ra ông là một người sở hữu nội tâm vô cùng trưởng thành.
Hơn nữa, năm xưa cha ruột và anh trai của ông từng có bên mình không ít anh tài. Việc thường xuyên tiếp xúc với những nhân vật tinh anh này từ khi còn nhỏ đã khiến Tôn Trọng Mưu từ sớm nảy sinh sự sùng bái đối với anh hùng hào kiệt.
Cũng bởi có được sự từng trải phong phú ngay từ khi còn nhỏ, cho nên khi đối mặt với những kẻ thù sở hữu thế lực cường đại, đa số các sách lược mà Tôn Quyền đưa ra thường hết sức phù hợp và đúng đắn.
Nguyên nhân thứ hai: Thừa hưởng cơ nghiệp cha anh để lại
Hai chữ “cơ nghiệp” ở đây chính là để chỉ lãnh địa và nhân tài. Đây cũng là căn cơ quan trọng để Tôn Quyền làm nên nghiệp lớn giữa thời loạn thế.
Theo quan điểm của Qulishi, người cha Tôn Kiên và anh ruột Tôn Sách đều được đánh giá là có nhiều phần ưu tú hơn vị quân chủ này..
Thông qua không ít sách lược cao minh và bản lĩnh thực tế trên chiến trường, hai nhân vật nói trên đã chiếm được địa bàn Giang Đông, tạo cơ sở vững chắc để người nối nghiệp đời sau có thể tạo dựng cơ nghiệp và đối phó với kẻ thù.
Vốn dĩ cơ nghiệp này sẽ về tay người anh Tôn Sách sau khi cha qua đời. Thế nhưng tiếc rằng anh hùng đoản mệnh, Tôn Sách bị ám sát khi đương độ tráng niên.
Vì vậy vị trí kế nghiệp cuối cùng được truyền lại cho Tôn Quyền. Ông cũng nhờ đó mà trở thành chủ nhân của lãnh địa Giang Đông rộng lớn.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trên phương diện tiếp quản nhân tài, bất kể là Tôn Kiên hay Tôn Sách năm xưa đều là những bậc anh hùng nức tiếng thiên hạ. Bởi vậy mà có không ít nhân tài từng vì ngưỡng mộ tên tuổi của họ nên nguyện ý nương nhờ dưới trướng họ Tôn.
Về sau khi đại cục dần ổn định, tập đoàn chính trị Đông Ngô đã có trong tay không ít tướng lĩnh, mưu sĩ xuất chúng. Đây cũng là một nhân tố mấu chốt quyết định sự thành bại của thế lực này trong các chiến dịch.
Mặc dù cha ruột và anh trai nối tiếp nhau buông tay trần thế, thế nhưng những thân tín này vẫn tình nguyện trung thành với Đông Ngô, tiếp tục phò tá người thừa kế tiếp theo là Tôn Quyền trên con đường tranh đoạt thiên hạ.
Nguyên nhân thứ ba: Tài năng và bản lĩnh của Tôn Quyền
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nếu chỉ nhìn qua 2 lý do nói trên, có người sẽ cho rằng Tôn Quyền chủ yếu dựa vào thành quả của cha anh mới làm nên đại nghiệp.
Tuy nhiên muốn vững chân và tạo dựng được thành tựu trong thời đại loạn lạc khi đó, bản thân ông chắc chắn cũng phải là người có năng lực, nếu không đã sớm bị kẻ thù xóa sổ khỏi lịch sử.
Thực tế, sau biến cố hai người lãnh đạo liên tiếp qua đời, lãnh địa Giang Đông đã nảy sinh không ít rối loạn.
Tôn Quyền sau khi kế nghiệp cũng phải chịu đựng thái độ không phục từ không ít người. Thế nhưng ông đã dùng tài hoa và năng lực của mình để chứng minh bản thân xứng đáng với vị trí đứng đầu hơn ai hết.
Trong quá trình đó, một Tôn Trọng Mưu khôn ngoan đã không ngừng bổ nhiệm những thân tín quanh mình vào các vị trí trọng yếu, đồng thời còn liên tục bình định phản loạn ở các địa phương, không ngừng chiêu nạp thêm hiền tài mới. Thế cục Giang Đông nhờ vậy mà dần đi vào ổn định.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Một hậu bối vốn có thể dựa vào cái bóng cha anh đã dần vươn mình trở thành người lãnh đạo được thiên hạ công nhận. Chính điều này đã chứng minh năng lực của Tôn Quyền là không thể coi thường.
Thông qua các chiến dịch nổi bật sau đó, không khó để nhìn ra rằng vị quân chủ này mặc dù có được sự trợ giúp không nhỏ từ những người xung quanh, nhưng bản thân ông chưa bao giờ lệ thuộc hoàn toàn vào điều đó mà luôn không ngừng tìm cơ hội để phát triển tài năng.
Từ những nguyên nhân trên đây, có thể rút ra một nhận định rằng: Tôn Quyền mặc dù nhỏ tuổi hơn so với hai vị quân chủ Tào – Lưu, thế nhưng sự may mắn và năng lực cá nhân của ông đều không hề thua kém.
Đó mới chính là nguyên nhân quan trọng giúp ông có thể lèo lái chiến thuyền Đông Ngô để chia ba thiên hạ cùng Ngụy – Thục.
*Dịch từ báo nước ngoài
Nguồn: Gamek.vn