Sự tương tác giữa gia đình và trường học rất quan trọng
Hãy suy nghĩ về ngày mai khi chúng ta ngày càng bận rộn hơn thì quỹ thời gian nào sẽ dành cho việc dạy con cái? Một, hai tiếng để vui đùa với con cái mỗi ngày trước khi chúng lên giường đi ngủ để chuẩn bị đến trường vào ngày hôm sau cũng không hề dễ dàng gì để thu xếp, huống chi là một lịch dạy học cố định dành cho con.
Khi ông bà và con cái dần có xu hướng ở riêng thì những đứa cháu sẽ tăng thời gian học từ một buổi, thành hai buổi trên trường để lấp đi một ngày đi làm của cả cha lẫn mẹ. Đó sẽ là điều sẽ xảy ra trong một xã hội phát triển hơn và có tính phân công lao động cao hơn.
Tuy nhiên, cho dù trường học có cải tiến như thế nào chăng nữa thì cũng không thể nào nhận hết trách nhiệm giáo dục một đứa trẻ cho trọn vẹn được. Một phần rất quan trọng trong việc giáo dục sẽ dành cho cha mẹ. Họ sẽ phải tính toán rất nhiều để làm sao cho chu toàn trong quỹ thời gian rất hạn chế còn lại.
Bài học từ Nhật Bản về giáo dục con cái
Lợi thế lớn nhất của những gia đình Nhật là phúc lợi xã hội dành cho việc giáo dục con trẻ. Đầu tiên đó là chế độ nghỉ sản một năm dành cho cha hoặc mẹ. So với Việt Nam, người Nhật có nhiều hơn 6 tháng để chăm lo cho con cái mà vẫn được hưởng những phúc lợi cần thiết nhất. Hơn thế nữa, hàng tháng chính phủ Nhật còn có thêm phần trợ cấp bằng tiền mặt để hỗ trợ mỗi gia đình sau khi sinh con.
Đó là lợi thế ban đầu nhưng trách nhiệm giáo dục con cái vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào gia đình mặc cho nền giáo dục của Nhật Bản đã rất tiên tiến. Nhiều gia đình Nhật Bản chỉ có vợ hoặc chồng đi làm toàn thời gian và người còn lại sẽ tập trung nuôi dạy con khi con còn trong tuổi ăn tuổi học. Họ có thể chỉ ở nhà nghiên cứu việc giáo dục gia đình nếu họ có nhiều con. Những gia đình ít con thì cha hoặc mẹ sẽ có thể làm thêm bán thời gian nhưng sẽ tránh những khung giờ mà họ cần phải dành cho con cái. Họ sẽ quay trở lại với công việc bình thường một khi con cái đã trưởng thành. Đó là một sự hy sinh rất lớn mà không phải ai cũng dám làm nhưng điều này lại khá phổ biến ở Nhật.
Những cặp vợ chồng trẻ hơn ở Nhật thì có vẻ ưu tiên cho công việc hơn khi cả vợ hoặc chồng cùng đi làm. Họ chấp nhận có ít con hoặc có con muộn. Tuy nhiên, họ cũng sẽ phải dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để quan tâm và hồi đáp những thông tin của con mình mà trường học gửi về.
Theo tôi sự liên lạc giữa trường học và gia đình chính là chìa khoá trong sự thành công trong giáo dục ở Nhật Bản khi mà nó có thể kéo cha mẹ về với trách nhiệm giáo dục con cái. Từ chính công việc dạy học của tôi trong trường, tôi được đào tạo để hiểu về tầm quan trọng trong việc chia sẻ trách nhiệm giáo dục với gia đình ở Nhật.
Trường học ở Nhật sẽ bằng nhiều cách để có thể chia sẻ chia tiết nhất về một ngày trên trường của học sinh như thế nào và ngược lại cha mẹ cũng nói cho giáo viên biết rằng con của họ như thế nào ở nhà. Đây chính là nền tảng để hình thành một nền giáo dục cá thể hoá trong sự chung sức của trường học và gia đình. Các em học sinh sẽ được động viên nhiều hơn để theo đuổi năng khiếu của mình và được quan tâm hơn cho những khuyết điểm mắc phải.
Một điều khác nữa mà tôi cũng nhận ra đó là nước Nhật có một kho tàng sách khổng lồ hướng dẫn về giáo dục dành cho cha mẹ. Có rất nhiều những chỉ dẫn và minh hoạ dễ hiểu mà ai cũng có thể làm theo. Vừa dạy học trên trường và vừa nuôi con, tôi nhận thấy những cuốn sách như trên là cầu nối tuyệt vời để bù đắp những khiếm khuyến cơ hữu giữa hai nền tảng giáo dục trên.
Người Nhật rất thích đọc sách nên họ rất nhanh chóng nắm bắt những chỉ dẫn giáo dục mà họ cần áp dụng cho con cái mình. Điều này dễ hiểu là tại sao người Nhật rất nổi tiếng trong việc nuôi dạy con cái.
Những gì đang xảy ra ở Nhật Bản có thể ở một góc độ nào đó có thể nhìn thấy được từ Việt Nam. Xu hướng giáo dục này có thể sẽ dần trở nên đại chúng với những gia đình Việt. Sự chuẩn bị của cha mẹ về cách tiếp cận trong giáo dục con cái ngay từ hôm nay là điều rất cần thiết.