Kết thúc hành trình thỉnh kinh, cả Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đều tu thành Phật quả, Sa Tăng thành La Hán Mình Vàng, duy có Trư Bát Giới chỉ được làm Tịnh Đàn Sứ Giả với phần thưởng là công việc “lau dọn bàn thờ”. “Tịnh có nghĩa là chay tịnh, đàn là nơi xếp những đồ ăn chay, còn sứ giả là khi nào đồ ăn được dọn ra thì phải đi mời đi gọi mọi người đến ăn, giống như thằng gõ mõ ở dưới trần gian”. Lão Trư thấy thế cũng ra vẻ tức tối tắm, có vặn vẹo lại Như Lai thì chỉ thấy Như Lai cười đáp rằng:
– Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?
Đúng là lời Phật dậy, mỗi tiếng cứ như nước suối ban mai rửa sạch cả cõi lòng u tối, Bát Giới nghe vậy lại thấy hợp lý quá. Thỉnh kinh bao lâu ăn uống kham khổ, giờ mang đồ ăn thức uống ra để thuyết phục thì quả là đánh đúng tâm lý của Lão Trư, lão cũng liền đổi ý ngay, ra vẻ háo hức lắm.
Hồi đó xem Tây Du Ký cũng chỉ nghĩ được như Bát Giới, rằng Như Lai đã sắp xếp “công việc” cho 4 thầy trò Đường Tăng theo đúng tâm tư nguyện vọng của mỗi người, không ép buộc điều gì. Thế rồi sau này lớn lên, đọc nhiều hiểu nhiều mới có chút ngẫm ra tất cả mọi chuyện đều có căn nguyên riêng, Bát Giới không thể tu thành Phật âu cũng là điều đã được dự báo từ trước.
Lại nhớ về những tập phim đầu tiên, sau khi đã bị thu phục và chuẩn bị phò tá Đường Tăng lên đường thì Bát Giới vẫn không quên dặn dò “bố vợ”: “Con gửi lời chào nhạc mẫu và mọi người thân thích trong nhà. Hôm nay con đi làm hòa thượng không kịp chào hỏi tạm biệt, xin đừng trách cứ. Về phần nhạc phụ, con mong nhạc phụ trông nom vợ con chu đáo. Nếu công việc lấy kinh không thành, thì còn sẽ hoàn tục về đây, lại làm con rể của nhạc phụ và sinh sống như trước”.
Bát Giới vẫn còn tiếc nuối ngoái lại
Bị Tôn Ngộ Không mắng ăn nói hồ đồ, Bát Giới lại phân trần: “Không phải hồ đồ đâu. Chỉ sợ nhất thời lỡ xảy ra điều gì thì hỏng cả việc làm hòa thượng, hỏng cả việc lấy vợ, xôi hỏng bỏng không thì sao?”.
Đây chính là “lời sấm” đầu tiên. Bát Giới quay lưng ra đi nhưng trong lòng còn nhiều vướng bận, một tay với đến Thần Phật, một tay lại cố níu lấy những thứ phàm trần, nhất quyết không buông. Thế thì làm sao tu thành chính quả?
Chưa hết, mọi chuyện còn được chứng minh qua cả quãng đường thỉnh kinh vạn dặm. Cho dù cả 4 thầy trò Đường Tăng càng ngày càng ngộ ra nhiều điều, người thì lý trí hơn, người thì ôn nhu hơn để dần hướng đến cảnh giới cao nhất của người tu luyện nhưng tuyệt nhiên Bát Giới vẫn không chối bỏ được lưu luyến phàm trần. Ấy bởi vậy nên cứ mỗi lần xảy ra chuyện, gã lại bàn lùi, đòi chia hành lý trở về với cuộc sống trước kia – đối với gã chính là ngôi nhà nhỏ với người vợ trẻ ngày xưa.
“Chú còn đi được thì xéo về biển cho rảnh, còn tôi gánh hành lý trở về Cao LãoTtrang làm rể như trước”.
Còn vương vấn, còn “phương án dự phòng” nên Bát Giới không thể toàn tâm toàn ý tu luyện, tiến lên phía trước, đột phá và khai phá bản thân.
Còn hay nhìn về quá khứ nên hễ gặp cơn khốn cùng, Bát Giới lại sẵn sàng quay lưng trở lại.
Không chỉ mang hình hài “nửa lợn, nửa người” mà ở Bát Giới còn hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị và thích đặt điều nói xấu huynh trưởng đồng môn.
Cũng chính vì không giữ đạo hạnh, buông thả nhân tâm, nên Bát Giới khó có thể phát huy các thần thông vốn có của mình. Chưa kể gã lại có tính tham công lao, luôn lấy công lao của người khác ghi tạc thành công lao của bản thân, hướng đến sư phụ tranh công.
Hỏi, sao có thể thành Phật?
Đường Tăng và Tôn Ngộ Không thì ai ai cũng đã rõ, một khi ra đi lòng chỉ nhìn về một hướng, có sai lầm nhưng biết sửa sai lầm, vứt bỏ hết những chấp niệm, dần dần hoàn thiện bản thân, quyết dâng hiến trọn đời mình.
Còn Bát Giới vẫn tham ăn tục uống, trong lòng còn tơ tưởng sắc giới, nhìn thấy gái xinh – dù là yêu quái thôi là chân tay đã mềm nhũn, đầu óc không còn biết thật giả phải trái, không ít lần đưa sư phụ vào cảnh hiểm nguy. Đến cuối tiểu thuyết, tất cả các nhân vật chính, bạn đồng hành của Bát Giới đều đạt đến mục đích cuối cùng của mình, tức là trở thành Phật hoặc La Hán, chỉ riêng mình Bát Giới là không, bởi dù đã có nhiều cải biến, Bát Giới vẫn còn quá nhiều ham muốn.“Dục vọng của con người mãi mãi không thể thay đổi. Con người chỉ có thể cố gắng nỗ lực để lấn át dục vọng phần nào”.
Nói Tây Du Ký một chữ đáng ngàn vàng cũng không phải là nói quá. Mọi chi tiết những tưởng ngẫu nhiên mà vốn đã được gắn sẵn vào hai chữ định mệnh, cũng chẳng trách mà người đời sau vẫn cứ nói về Bát Giới là một nhân vật “tham ăn, háo sắc”.
Nguồn: Gamek.vn