Ban đầu, khẩu trang y tế biến mất khỏi các kệ hàng, sau đó là dung dịch sát trùng tay. Cùng với các sản phẩm như mì sợi, những loại đồ hộp, rau và hoa quả, sữa tắm và kem đánh răng, giấy vệ sinh cũng lọt vào danh sách những hàng hoá được “ưa chuộng” nhất.
Nhưng giải thích như thế nào cho nguyên nhân của tình trạng giấy vệ sinh hết sạch trên các kệ từ quan điểm tâm lý học? Nhà tâm lý học lâm sàng Steven Taylor, tác giả của cuốn sách “Tâm lý học đại dịch” (The Psychology of Pandemics), trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN đã lên tiếng chỉ trích về việc mua hàng tích trữ: “Đó là sự thái quá; chúng ta có thể chuẩn bị sẵn sàng mà vẫn không bị rơi vào hoảng loạn”.
Chưa được biết đến và đáng sợ
Virus corona chủng mới, theo lời chuyên gia, gieo rắc cho mọi người nỗi khiếp sợ, trước tiên bởi vì cho đến nay, nó vẫn chưa từng được biết đến. Và vì mọi người tiếp nhận và phát tán thông tin hoàn toàn trái ngược về những rủi ro liên quan tới chủng virus mới này, nên họ dễ rơi vào trạng thái cực đoan.
“Nếu như mọi người được cảnh báo về một mối nguy hiểm nào đó đang đến gần, nhưng chỉ được khuyến cáo nên thường xuyên rửa tay, thì biện pháp này không đủ để họ nhận thức được quy mô của mối đe doạ. Chính bởi vì họ tưởng rằng khi nói về những mối đe doạ đặc biệt nào đó, thì cần phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa đặc biệt”, ông Taylor giải thích.
Ngoài nỗi sợ hãi trước những tác hại của bệnh dịch bùng phát do virus này gây ra, đằng sau các hành động mua sắm đầy hoảng loạn ẩn giấu sự lo sợ rằng quá trình cách ly sẽ kéo dài. Đó là ý kiến của nhà tâm lý học công tác tại Đại học Carnegie-Mellon ở Pittsburg, ông Baruch Fischhoff, chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh CNN.
Hiệu ứng dây chuyền
Ở đây còn có một điểm không kém phần quan trọng: Khi ai đó quyết định mua dự trữ một hàng hoá nào đó, điều này sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền. Trong kỷ nguyên số của chúng ta, trên mạng xã hội đầy rẫy những bức ảnh chụp các kệ hàng trống rỗng tại siêu thị, và mọi người, khi nhìn thấy hình ảnh đó, cũng sẽ chạy thẳng tới cửa hàng.
“Con người – đó là những thực thể của xã hội và trong cuộc sống thường ngày sẽ đi tìm sự chứng thực của việc cái gì là an toàn, còn cái gì là nguy hiểm. Và khi họ nhìn thấy những người khác mua dự trữ giấy vệ sinh trong hoảng loạn như thế nào, họ bị lây nhiễm nỗi hoảng sợ này”, chuyên gia này lý giải.
Giữ kiểm soát
Việc mua dự trữ một cách ồ ạt giấy vệ sinh cũng có những khía cạnh mang tính thực tế: Hàng triệu người ở khắp các nước trên thế giới trong những ngày này đang phải ở trong nhà, họ chỉ xuống phố trong trường hợp vô cùng cần thiết. Những ai dự trữ được nhiều giấy vệ sinh thì không cần phải ra đường để mua nó.
“Virus corona chủng mới đã dẫn tới sự xuất hiện của một kiểu “tâm lý sinh tồn”, theo đó chúng ta sẽ phải tồn tại tối đa có thể mà không cần phải ra đường, để làm được điều đó cần phải tích trữ những thứ thiết yếu nhất”, giáo sư Đại học Temple, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà tâm lý học Mỹ, ông Frank Farley lý giải.
Và cuối cùng, việc mua tích trữ giấy vệ sinh tạo cho mọi người cảm giác kiểm soát được tình hình – trong những giai đoạn khi đại dịch hoành hành.
“Khi có cảm giác rằng họ đã làm tất cả những gì có thể, mọi người sẽ cảm thấy thoả mãn”, ông Taylor chia sẻ.
Nguồn: Gamek.vn