Mỹ vốn là đất nước nổi tiếng về sự tự do, thế nên có thể nói ở đây thứ gì cũng có. Nhưng nếu có dịp đến Mỹ, hãy nhớ trải nghiệm WC của họ để biết được rằng họ thiếu đi một thứ cực kỳ quan trọng. Đó chính là cái vòi xịt toilet huyền thoại mà nhà vệ sinh nào của Việt Nam cũng có.
Có nhiều lý do cho sự thiếu sót này, liên quan cả về lịch sử lẫn văn hóa, nhưng để nói ngắn gọn thì người Mỹ đơn giản là không dùng vòi xịt. Họ tôn sùng giấy vệ sinh. Tuy nhiên ở thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ, phải chăng người Mỹ cũng nên cân nhắc thay đổi thói quen này?
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng nổ, lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng lên nhiều thành phố, cũng là lúc nhiều nơi trên thế giới phải chứng kiến hiện tượng “mua sắm hoảng loạn” – panic buying, khi người dân thu gom hàng hóa để dự trữ, phòng khi tình huống xấu xảy ra.
Trong giai đoạn khủng hoảng, thứ bạn mua sẽ cho thấy nền tảng và phông văn hóa cơ bản của bạn. “Kệ mỳ Ý trống trơn rồi!” – đó là tiếng của một người đàn ông Italy, trong một video đăng tải hồi tháng 2/2020. Điều này cũng hợp lý, không chỉ bởi người Ý thì phải mê ăn mỳ, mà đơn giản vì ai cũng cần phải ăn, nên thực phẩm phải hết đầu tiên.
Tại Iran, các gia đình trung lưu cũng phải mua hoa quả bầm dập với mức giá thấp hơn bình thường. Điều này phản ánh một thực tế là khi đại dịch xảy ra, nó gây ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và thói quen tiêu dùng của người dân.
Nhưng chuyện thu gom thực phẩm thì ở đâu cũng vậy. Còn ở Mỹ, thứ cháy hàng đầu tiên lại là… giấy vệ sinh!
Đại dịch bùng phát, lệnh cách ly xã hội được đưa ra, cũng là lúc người Mỹ đi trữ… giấy vệ sinh
Người Mỹ, họ có ác cảm với việc phải tự mình chạm vào chất thải. Sasha von Oldershausen – cây viết người Iran của New York Times đã từng phỏng vấn vài người bạn tại Mỹ, rằng nếu chúng ta sử dụng nước để rửa mọi thứ, thì tại sao khi đi “vũ trụ” lại là ngoại lệ? Tất cả đều rùng mình, không thể tưởng tượng đến chuyện phải tự mình chạm vào thứ chất thải ghê gớm ấy, dù là của chính mình đi nữa.
Nhưng trong bối cảnh giấy vệ sinh cháy sạch hàng, liệu họ có nên suy nghĩ lại không?
Thế nào là sạch sẽ?
“Cội nguồn của vấn đề này là bản chất của sự sạch sẽ. Thế nào là sạch?” – Martin Melosi, giảng viên khoa lịch sử của ĐH Houston trả lời phỏng vấn của Oldershausen qua điện thoại.
Vấn đề này được đưa ra từ thế kỷ 19, trước khi con người biết về vi khuẩn. Khi ấy, đại đa số công chúng tin tưởng rằng bệnh tật sẽ được lan truyền của mùi. Thậm chí hệ thống vệ sinh thời hiện đại cũng được xây dựng dựa trên quan niệm này, đại khái là để con người không tiếp xúc trực tiếp với những thứ có khả năng lan truyền bệnh tật.
Giai cấp xã hội cũng góp phần định hình quan niệm này, quyết định xem ai được dùng thứ tốt nhất. Cho đến cuối thế kỷ 19, chỉ có những gia đình quyền quý mới lắp được hệ thống ống nước trong nhà.
Một chiếc toilet điển hình của Mỹ – tuyệt nhiên không có vòi xịt
Ngày nay, có thể nói hầu hết các hộ gia đình tại Mỹ đều đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín. Và những năm gần đây, một số cũng đã được trang bị thêm cả “bidet” – từ tiếng Anh dành cho chiếc vòi xịt, hoặc để chỉ công cụ để… rửa chỗ cần rửa. Có nhà còn trang bị cả “toilet thông minh” với vòi xịt tự động. Tuy nhiên cũng giống như xưa, gần như chỉ những nhà trung lưu hoặc thượng lưu mới có nó mà thôi.
Nói về bidet, nó có bắt nguồn từ Pháp, và thực chất không có dạng vòi xịt như bây giờ đâu. Chiếc bidet đầu tiên chỉ đơn giản là một cái bồn chứa nước được đặt ngang với bồn cầu, để sau khi giải quyết nỗi buồn, “đương sự” có thể ngồi xuống đó mà rửa.
Chiếc bidet thời xưa, với dạng bồn rửa
Đây thực chất cũng được xem là một trong những lý do khiến người Mỹ… sợ bidet. Ngày trước, dùng bidet là phải dùng tay trần, mà rõ ràng nếu phải so sánh với giấy vệ sinh, bidet là một lựa chọn kinh khủng hơn. Sự kỳ thị ấy tạo ra thói quen dùng giấy vệ sinh, và nó kéo dài đến tận ngày nay.
Văn hóa “giấy vệ sinh” và những đường ống tắc nghẽn
Sự tồn tại của “bidet”, không biết từ khi nào đã được người Mỹ gắn với sự xa xỉ. Như năm 2016 trong show “Keeping Up With the Kardashians”, Kris và Kylie Jenner đã làm một chuyến ghé thăm bảo tàng trưng bày của Toto – thương hiệu sản xuất toilet cực kỳ nổi tiếng của Nhật Bản. Ở đó có những chiếc bồn cầu tối tân nhất, được trang bị hệ thống phun rửa chính xác như… định vị tên lửa luôn vậy, và hẳn là rất đắt tiền.
Những chiếc toilet thông minh
Dĩ nhiên, trên thị trường có nhiều loại “bidet” khác có mức giá phải chăng hơn – chính là chiếc vòi xịt cầm tay (còn gọi là bidet sprayer) thường thấy. Một số công ty những năm gần đây còn ghi nhận doanh số tăng đáng kể. Nhưng về cơ bản, Mỹ vẫn không thể phổ cập một lựa chọn bền vững với giá cả phải chăng hơn so với cuộn giấy vệ sinh.
Trong thời gian đại dịch diễn ra, nhiều tòa nhà tại Mỹ đã ghi nhận hiện tượng… tắc bồn cầu. Lý do ư? Khi giấy vệ sinh cháy hàng, người ta bắt đầu xả xuống bồn cầu nhiều thứ khác thay thế như khăn giấy ướt và khăn ăn – vốn là những thứ không được thiết kế để phân hủy dễ dàng trong nước. Và khi có quá nhiều người cùng xả, ống nước nghẽn cũng là chuyện dễ hiểu.
Khi nhà máy xử lý nước thải tại Charleston có hiện tượng nghẹt, thành phố đã phải thuê thợ lặn, chui xuống đường ống sâu đến 13 tầng. Thứ họ tìm thấy là một bãi khăn giấy ướt khổng lồ, cũng chính là thủ phạm khiến đường ống nhà máy tắc nghẽn lại.
“Thực sự là không nhìn thấy gì cả,” – trích lời Michael Saia, phát ngôn viên của Công ty nước Charleston. “Nước đen kịt và kín đặc đến mức đèn cũng chẳng có tác dụng gì. Họ phải dùng tay lần mò để biết thứ gì gây tắc nghẽn.”
Dù thời gian gần đây, hệ thống thoát nước trong thành phố ít bị nghẽn, nhưng các nhân viên của công ty vẫn luôn trong trạng thái cảnh giác. “Bởi nếu hệ thống bị quá tải và mọi nỗ lực thông tắc đều thất bại, chúng ta sẽ chứng kiến nước thải vọt lên từ mọi nắp cống trong thành phố,” – ông Saia cho biết. “Nó sẽ tạo ra một thảm họa môi trường khủng khiếp, nhất là trong bối cảnh người Mỹ đang gồng mình chống đỡ đại dịch.
Đường ống tắc nghẽn do người dân xả khăn giấy ướt, thậm chí là khăn vải vào bồn cầu
Trên thực tế, toilet và virus corona SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 lần này cũng có một chút liên hệ. Vài trường hợp nhiễm bệnh có các triệu chứng về đường tiêu hóa. Và ngoài ra theo Jeffrey Aronoff, bác sĩ đường ruột tại Manhattan thì “bệnh có thể lây truyền qua con đường từ… phân lên miệng”, dù khả năng này là rất thấp.
Tuy nhiên, bác sĩ Aronoff cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng ở đây là phải rửa tay. “Nó gần như không liên quan đến việc bạn làm sạch cổng sau của mình như thế nào. Điều ảnh hưởng ở đây là việc bạn làm sau đó, để đảm bảo không khiến thứ từ cổng sau nó lan lên cổng trước.”
“Hiểu đơn giản thì là phải rửa tay, vì thứ làm mầm bệnh lây lan chính là tay bạn.”
Theo Dan Clarahan – chủ tịch United Converting, công ty chuyên cung cấp nguyên liệu sản xuất giấy vệ sinh, thì đa số người Mỹ vẫn sử dụng giấy vệ sinh với số lượng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Bài viết lược dịch theo quan điểm của tác giả Sasha von Oldershausen, được đăng tải trên tạp chí The New York Times.
Tham khảo: NY Times
Nguồn: Gamek.vn