Tại quán bar ở Paris năm 2008, Lena Mauger được bạn kể cho một câu chuyện khá kỳ lạ. Đó là về những người Nhật biến mất. Họ không chết mà cũng không bị bắt cóc. Chỉ đơn giản là họ biến mất một cách có chủ đích vào ban đêm, không để lại bất kỳ lời giải thích nào.
Việc này cũng không phải một trường hợp đơn lẻ hay bí ẩn. Nó được gọi dưới tên johatsu, có nghĩa là “những người bốc hơi”. Mỗi năm ở Nhật, có đến hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn những johatsu như vậy. Họ chọn cách sống ẩn dật, xa lánh xã hội vì rất nhiều lý do khác nhau, bao gồm nợ nần, thất nghiệp, ly dị hoặc thậm chí là thi trượt.
Mauger – vốn là một nhà báo Pháp – bắt đầu cảm thấy vừa tò mò vừa bối rối. “Để biến mất trong một xã hội hiện đại như Nhật Bản, với đủ mọi nền tảng kĩ thuật có thể theo dõi nhân dạng và những ràng buộc xã hội phức tạp, tôi nghĩ đây là chuyện rất đáng kinh ngạc” – cô bày tỏ.
Cái tên johatsu bắt nguồn từ phim Ningin Johatsu (Một người đàn ông biến mất) của đạo diễn Shohei Imamura, ra mắt năm 1967.
Ám ảnh với câu chuyện, Mauger cùng chồng – nhiếp ảnh gia Stephane Remael – quyết định đến Nhật tìm hiểu. Cuối cùng họ đã dành đến tận 5 năm ở xứ sở Phù Tang với rất nhiều phát hiện bất ngờ. Dù vậy, khi mới vừa đặt chân xuống Tokyo, nhiệm vụ của họ gần như bất khả thi.
“Tôi đã nghĩ rằng ‘Ôi trời, làm sao mình có thể tìm ra những chiếc bóng lặng lẽ trong một siêu đô thị sầm uất thế này?” – Mauger nói. “Và ở Nhật Bản, chủ đề johatsu cũng cấm kỵ như nói về tự sát. Khi chúng tôi nhắc đến johatsu, mọi người xung quanh bỗng tỏ ra bận rộn rồi tản đi nhanh chóng”.
Nhưng vẫn có vài manh mối nhất định. Một trong số đó là Shou Hatori – người đã dành nhiều năm để “bốc hơi” các johatsu vào ban đêm. Hatori thậm chí còn viết lại một quyển sách về công việc của mình.
Tài xế Shou Hatori chuyên chở các johatsu biến mất vào ban đêm (Ảnh: Stéphane Remael)
Vốn dĩ anh là người tài xế “đường đường chính chính” vào ban ngày, nhưng tối nọ, Hatori đã gặp một người phụ nữ. Cô ấy cầu xin hãy giúp mình biến mất mà không để lại bất kỳ dấu vết nào. Và đó chính là dấu mốc khiến Hatori bắt đầu sắp xếp những cuốc xe đêm.
Vào thập niên 90, phép màu kinh tế Nhật Bản không còn nữa; thay vào đó là hàng loạt bài báo về những người làm công ăn lương lâm vào cảnh túng quẫn, không ít kẻ đi đến quyết định tự sát. Đây cũng là thời điểm mà những chuyến xe đi vào bóng tối, trốn tránh xã hội bắt đầu tăng lên. “Nghe có vẻ điên rồ, nhưng làm ai đó biến mất thật sự là một việc kinh doanh lúc bấy giờ” – Mauger nói.
Vậy, những “dịch vụ” như của Hatori đưa người ta biến mất đi đâu? Anh chỉ ra “những khoảng trống hành chính” – chỗ nương náu cuối cùng dành cho người muốn cắt đứt các mối quan hệ thông thường. “Người biến mất có thể tiếp tục sống ẩn danh ở những khu như Sanya (Tokyo) hay Kamagasaki (Osaka). Đây là nơi có thể cư ngụ không cần giấy tờ tùy thân”.
Thực ra những khu này từng là địa bàn của nhiều băng nhóm xã hội đen Yakuza – nơi cung cấp công việc “tiền trao cháo múc”, không cần biết tên tuổi gì. Dù vậy, phần lớn các việc đều không phạm pháp, ví dụ như làm thợ hồ, bốc vác, làm thuê qua ngày…
Ngoài lề xã hội, những johatsu có cuộc sống tạm bợ qua ngày với điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu (Ảnh: Stéphane Remael)
Sau khi có một vài ý niệm ban đầu về johatsu, hai vợ chồng nhà báo Mauger bắt đầu dấn thân hơn. Họ lấy được lòng tin của một tài xế chuyên “đi đêm”, kế đó còn tận mắt chứng kiến cách mà một ai đó trở thành johatsu, bốc hơi ngay trước mắt mình.
Điều gây kinh ngạc và cũng đau lòng nhất chính là thân phận của mỗi johatsu! Một bà mẹ bỏ đứa con trai vì nảy sinh tình cảm với người đàn ông khác, một em học sinh chọn cách biến mất khỏi bố mẹ vì thi trượt, một con nghiện cờ bạc ném mình vào đường phi pháp vì không thể tiếp tục nhìn mặt vợ… Ở khía cạnh nào đó, những con người của ngày xưa đã chết thật rồi!
Trên tất cả mọi thứ, điều khiến con người ta muốn biến mất chính là cảm giác tuyệt vọng của sự xấu hổ. “Ban đầu, họ nói: Chỉ là một kì thi thôi mà… Nhưng đến cuối cùng, họ vẫn không thể nói với bố mẹ: Con đã thất bại mất rồi”.
Một số hình ảnh do Stéphane Remael ghi lại.
Thật ra, mọi nơi trên thế giới này đều có người bỏ trốn và không được tìm thấy. Thế nhưng ở Nhật, chính sách về quyền riêng tư khiến johatsu trở thành một hiện tượng phổ biến.
Thám tử tư Goro Koyama chia sẻ: “Nếu một người không đăng ký danh tính thì cả nhà chức trách cũng không biết họ ở đâu”. Bản thân Koyama từng cố tìm kiếm một vài johatsu nhưng không được do các quy định bảo mật thông tin. Ở Nhật, ngay cả cảnh sát cũng chỉ có thể truy cập thông tin cá nhân khi xảy ra vụ án hình sự. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp johatsu thuộc vấn đề dân sự.
Mặt khác, người thân muốn tìm lại jokatsu thông qua giao dịch thẻ ATM cũng bất khả thi. “Theo luật, người vợ không được phép truy cập thông tin ngân hàng của chồng mình và ngược lại” – Koyama cho biết.
(Ảnh: Stéphane Remael)
Tuy nhiên, 5 năm điều tra của Mauger cũng không phải lãng phí. Cô xoay xở tìm được hai johatsu mà mình từng nghe nói đến trong quán bar ở Paris.
Đó là một cặp đôi quyết định “bốc hơi” vào thập niên 80. Ngay trước đó, họ mượn khoản nợ lớn để mở tiệm bánh bao, thế nhưng cuộc suy thoái đã ập đến bất ngờ. Không còn cách nào khác, hai vợ chồng đành bán hết mọi tài sản, và gọi một cuốc xe đêm… Giờ đây, người chồng làm thợ hồ, người vợ làm ở bưu điện. Họ có 3 con trai nhưng chỉ một đứa duy nhất biết về nguồn gốc của gia đình.
Mikio là một trong những johatsu hiếm hoi đồng ý cho chụp hình. Ông nói: “Tới giờ, tôi chẳng còn sợ chuyện gì nữa” (Ảnh: Stéphane Remael)
Nhà báo Mauger và chồng đã dành ra 5 năm để lắng nghe những câu chuyện, chụp lại hình ảnh về johatsu. Cuối cùng họ đúc kết rằng: “Chúng ta đều ước một lúc nào đó khi chán ngán với cuộc đời, mệt mỏi với công việc, ta sẽ nói: ‘Tại sao mình không biến mất cho rồi?’. Nhưng bạn sẽ không còn nghĩ như vậy khi đối diện với sự thật tàn nhẫn, rằng cuộc sống của những người biến mất cũng không dễ dàng chút nào”.
Đây là lần đầu tiên ông bà chủ hàng bánh bao năm xưa – giờ sống dưới thân phận johatsu – tiết lộ câu chuyện của mình với người xa lạ và còn đồng ý cho chụp hình.
Năm 2016, tròn 8 năm sau khi tìm hiểu về johatsu, hai vợ chồng Mauger đã cho xuất bản quyển sách có tựa “The Vanished: The “Evaporated People” of Japan” (tạm dịch: “Biến mất: Những người bốc hơi ở Nhật Bản).
Nhưng có lẽ đến giờ, hầu hết người Nhật vẫn chẳng hề hay biết hay quan tâm đến các thân phận ẩn dật mà vợ chồng nhà báo Mauger tiếp xúc được. Johatsu – họ mãi ẩn mình trong những góc khuất ảm đạm nhất giữa các siêu đô thị rực rỡ của xứ sở mặt trời mọc!
(Theo PRI)