Chắc không bao giờ tôi có thể phát âm chuẩn rồi tự tay viết ra được tên của ngôi đền vạn cổng ấy, nếu không mở… google. Tên đầy đủ, “Đền thờ Fushimi-Inari-taisha”. Tọa lạc ở cố đô Kyoto, Nhật Bản. Đây là một ngôi đền tối tú tối linh trong tâm thức của người Nhật Bản, nó đứng đầu trong số 3 vạn đền thờ dạng này (Inari-jinja) trên toàn quốc. Được khởi dựng vào năm 711, tức là đền đã 1.308 năm trường tồn.
Tuy nhiên, cái gây nên sự hiếu kỳ, thú vị, hồi hộp khám phá bậc nhất ở không gian đền cổ nghìn năm và rộng tới 870.000m2 này, lại không phải là niên đại kia. Dường như tất cả du khách tản bộ phăm phăm, nhao lên núi chỉ chờ giật chuông lớn cầu phúc cho mình và gia đình; rồi tất tả hào hứng chụp ảnh check-in một kỳ quan độc nhất vô nhị trên thế giới: đường hầm “Zenbon Torii” với rất hơn 1 vạn phom cổng Torii màu đỏ son.
Vô số hiệu bánh Doremon nổi tiếng của Nhật được làm và bán dọc lối đi bộ vào đền. Có điều rất lạ là chiếc bánh nào cũng được lót để hạ nhiệt chiên giòn và giúp thoát hết mỡ bằng một chiếc lá tuyết tùng. Đi bộ quanh chùa, ai nấy mới vỡ lẽ, vạn cổng và các di tích trùng điệp của đền đều được bảo bọc, tỏa bóng bởi rừng tuyết tùng cổ thụ. Và trong các dịp đại lễ, các bùa chú ban điều thiện lành cho dân chúng, đều được các vị thần gửi đến người chiêm bái thông qua một lá tuyết tùng xanh biếc.
Cả vạn chiếc cổng của ngôi đền ra đời từ sự phát tâm cung tiến của người tín tâm với Thần Cáo. Họ thường là các doanh nhân giàu có. Người ta “cúng” các phom cổng đỏ son bằng đá hoặc bằng gỗ vào đền để cầu điều an lành và thịnh phát hoặc để cảm ơn sau khi những điều đó ứng nghiệm. Chúng tôi được hướng dẫn sửa mình, tĩnh lặng “biện lễ” rồi giật sợi dây chão trắng nối với hàng trăm quả chuông ở trên nóc đền. Tiếng chuông ngân dài như vô tận kia sẽ đem các “mật chú” của khách hành hương lên cõi xa xanh, kính chuyển dế các vị thần. Thần Inari-Daimyojin (thần lúa gạo và mùa màng) được thờ ở đền Vạn Cổng nổi tiếng linh ứng đối với những lời ước nguyện về kinh doanh thịnh vượng, mùa màng bội thu, gia đạo bình an, giao thông an toàn, thăng hoa trong nghệ thuật…
Vị thần được thờ ở đền Fushimi-Inari-taisha được cho là mang hình dáng của một con cáo. Vì thế, có vô số tượng cáo cả cổ kính với nước thời gian quyến rũ nhất; cả các “ngài” tân kỳ sặc sỡ nhất; cả các chiếc bánh gạo rồi mặt nạ thêu chỉ màu kỳ nhất trong khu vực này đều mang hình cáo. Thần cáo (tượng trưng cho sự cần mẫn, linh hoạt và thông minh) “ngồi” an nhiên tự tại ở mọi góc trong khuôn viên đền, có khi ngài ngậm chiếc chìa khóa mở vào kho thóc đầy tú hụ, có khi là “cuốn thư” mang điều ước, có khi ngài lại ngậm bông lúa óng ánh như vàng ròng.
Thật đáng ngạc nhiên, khi bạn được đi trong một khuôn viên cực kỳ cổ kính mà ở đó, con đường kỷ lục thế giới mười ngàn cổng sơn màu đỏ son nối cứ tiếp nhau như là dẫn về vô tận. Có cổng bằng đá sừng sững viết chữ Nhật trang nghiêm, có cổng bằng gỗ lộng lẫy chi chít ký tự như bùa chú linh thiêng nhất. Người Nhật tin rằng, các cổng này có thể xua đuổi được tà ma, bệnh tật, rủi ro và dẫn lối cho con người đến một cuộc sống an lành như mộng ước.
Thử tin tôi đi, hãy đến và chứng thực. Người Nhật bảo, tin tôi đi, họ đã kiểm nghiệm điều này qua 1.300 năm và cầu đâu được đó.