Loài “cá heo” này là động vật ăn thịt đầu bảng (apex predator) định vị con mồi bằng sóng siêu âm đầu tiên từng được biết đến: bên cạnh kích thước lớn, nó còn có bộ răng nanh lớn nhọn hoắt, và có khả năng săn lùng và xơi tái con mồi ở tốc độ cao như loài cá voi sát thủ ngày nay vậy.
Quan trọng hơn, khám phá này giúp chúng ta biết rõ hơn về cách mà hai loài cá voi hiện đại – cá voi có răng, như cá heo, và cá voi tấm sừng hàm, như cá voi lưng gù – đã tiến hoá để hình thành nên những đặc trưng của chúng, như chân chèo hay đuôi đẩy.
Bộ xương nói trên được tìm thấy vào thập niên 1990, nhưng bị xếp loại nhầm, và là bộ xương Ankylorhiza tiedemani gần như hoàn thiện đầu tiên được phân tích – trước đây, sinh vật này chỉ có thể được nghiên cứu từ một hoá thạch phần mõm mà thôi, còn nay, các nhà khoa học đã có thể hiểu rõ hơn về loài động vật biển có vú này.
Bộ xương Ankylorhiza tiedemani
Một trong những điểm chính được tiết lộ là nhiều phần trên bộ xương – hộp sọ và đuôi, xương tay trên ngắn thuộc phần chân chèo, hình dáng răng – cho thấy hai loài cá voi hiện đại, có răng và tấm sừng hàm, đã tiến hoá nhiều đặc trưng giống nhau song song nhưng độc lập với nhau, thay vì thừa hưởng chúng từ cùng tổ tiên như trước đây vẫn nghĩ.
Quá trình tiến hoá song song này diễn ra nhờ môi trường thuỷ sinh tương tự nhau mà chúng cùng sinh sống.
“Mức độ tương đồng về những đặc điểm thích nghi với hoạt động bơi lội mà cá voi tấm sừng hàm và cá heo hình thành một cách độc lập với nhau, thay vì tiến hoá từ cùng một tổ tiên của cả hai nhóm, đã khiến chúng tôi ngạc nhiên” – nhà cổ sinh vật học Robert Boessenecker nói.
“Giống như việc những xương ngón tay bổ sung xuất hiện trên chân chèo và việc khớp khuỷu bị khoá lại đã buộc cả hai nhóm động vật biển có vú phải đi theo một con đường tiến hoá tương tự nhau xét về mặt vận động“
Dù việc các loài động vật trong cùng môi trường tiến hoá hình thành nên những đặc điểm tương tự nhau nghe có vẻ hiển nhiên, đó không phải là điều được giới khoa học khẳng định – ví dụ, những loài sư tử biển và hải cẩu khác nhau tiến hoá để hình thành nên những chế độ bơi của riêng chúng, và cuối cùng là cấu trúc xương sau hộp sọ (toàn bộ xương trên cơ thể trừ hộp sọ) rất khác nhau.
Thời kỳ mà những con cá heo khổng lồ còn là một loài động vật ăn thịt cổ đại đã chấm dứt vào khoảng 23 triệu năm về trước, khi chúng tuyệt chủng. Kể từ đó, các loài cá voi và cá heo khác đã xuất hiện để thay thế, nhưng ngày nay, loài cá voi định vị bằng siêu âm duy nhất đồng thời cũng là loài ăn thịt đầu bảng chính là cá voi sát thủ.
Một phần trong những yếu tố khiến khám phá mới này trở nên rất thú vị là bạn có thể không nghĩ cá voi sát thủ hung dữ và cá heo hiện đại, dễ thương, có mối quan hệ mật thiết đến vậy – nhưng Ankylorhiza nhiều khả năng có cách săn và ăn mồi rất giống với cá voi sát thủ ngày nay, trừ việc nó sống từ hàng chục triệu năm trước.
“Cá voi và cá heo có một lịch sử tiến hoá dài và phức tạp, và mới nhìn qua, bạn có thể sẽ không nhận ra điều đó ở các loài hiện đại” – Boessenecker nói. “Bản ghi hoá thạch thực sự đã khai phá con đường tiến hoá dài dòng và khó hiểu này, và các hoá thạch như Ankylorhiza sẽ giúp chúng ta hiểu được điều đó từng diễn ra như thế nào“.
Trước đây, người ta nghĩ rằng cá voi có thể đã thừa hưởng khả năng tự đẩy chính mình bằng đuôi và chuyển hướng bằng chân chèo vào khoảng 35 triệu năm trước – theo lời Boessenecker.
Nhiều hoá thạch Ankylorhiza khác đang chờ để được tìm hiểu, và các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có nhiều khám phá hơn nữa được đưa ra.
“Bởi thế Oligocene là thời kỳ mà các loài ăn thông qua bộ răng tấm sừng và định vị bằng siêu âm lần đầu tiến hoá, và bởi địa bàn sinh sống của các loài thú có vú thuỷ sinh vào thời đó là trên toàn thế giới, các hoá thạch do trường Charleston tìm thấy sẽ mang lại cái nhìn hoàn thiện nhất về quá trình tiến hoá trước đây của các nhóm sinh vật đó, cung cấp cho chúng ta những thông tin về tiến hoá tuyệt vời chưa từng có” – Boessenecker nói.
Tham khảo: ScienceAlert
Nguồn: Gamek.vn