Chắc hẳn đến bây giờ vẫn nhiều người thắc mắc về lý do cô nàng Xuka xinh đẹp, học giỏi lại đi chọn anh chàng Nobita ngốc nghếch hậu đậu làm chồng. Hóa ra tất cả đều có nghiên cứu khoa học hẳn hoi đấy.
Nếu ai đã đi qua những năm tháng tuổi thơ có lẽ chẳng còn xa lạ gì với cuốn truyện tranh Đôremon. Và cũng không thể quên được hình ảnh Nobita một anh chàng hậu đậu, vụng về, lười học và yếu đuối luôn là mục tiêu bắt nạt của Chaien và Xeko. Còn Xuka cô bé vừa học giỏi đáng yêu lại cực kì tốt bụng. Cậu bạn Dekhi đẹp trai, học giỏi có bao nhiêu bạn gái ngưỡng mộ.
Ấy vậy mà, trái ngược với tất cả suy đoán của mọi người cô nàng đáng yêu Xuka lại chọn anh chàng Nobita “thiếu sót” thay vì anh chàng Dekhi “hoàn hảo”? Tại sao lại như vậy nhỉ? Đã có vô số những lý giải được đưa ra nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Hôm nay chúng ta hãy đi đến một cách giải thích vô cùng độc đáo nhé. Trong phương án này thì anh chàng Nobita của chúng ta lại không hề ngốc nghếch như mọi người vẫn nghĩ đâu nhé.
Thật ra Nobita quá giỏi và thông minh khi đã áp dụng thành công phương pháp COGNITIVE DISSONANCE (sự bất hòa nhận thức: trạng thái căng thẳng khó chịu khi có những niềm tin, giá trị sống, hoặc ý tưởng mâu thuẫn nhau cùng một lúc) vào kế hoạch chinh phục người trong mộng của mình. Và đây cũng chính là lý do mà Dekhi thất bại trong công cuộc chinh phục trái tim người đẹp.
Theo tâm lý học xã hội, nếu bạn muốn ai đó thích bạn, thay vì bạn giúp người đó thì hãy để người đó giúp lại bạn. Nghe thì có vẻ khó hiểu đúng không? Tại sao muốn người ta thích mình mà phải làm cho người ta giúp mình? Có khi người ta thấy mình phiền quá, người ta còn ghét thêm thì có!
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy sự giúp đỡ khiến người giúp yêu thích người được giúp hơn, kể cả khi trước đó, người giúp không hề thích người mình giúp.
Chúng ta hãy cùng nhau đi phân tích một ví dụ thử nhé:
Tuấn không thích Trang. Trang thích Tuấn. Trang muốn Tuấn thích Trang. Trang chẳng những không giúp Tuấn mà còn nhờ Tuấn giúp Trang.
“Tuấn ơi, giúp mình coi cái cặp, mình đi xíu nhé”.
Tuấn sẽ kiểu: “Gì cơ? Tại sao mình lại phải giúp nó? Mình còn chả thích nó. Thôi kệ, mình là người tốt mình sẽ giúp nó vậy”.
Sau đó, Trang sẽ nhờ Tuấn lấy giùm Trang cây viết bị rớt. Tiếp đó, Trang muốn Tuấn mang giúp cặp của Trang vì cặp quá nặng. Khi đó, Tuấn sẽ bắt đầu tự hỏi là tại sao mình lại phải làm những việc tốt cho nhỏ đó, tại sao mình lại nghe lời nó.
Tuấn đang có 2 suy nghĩ trái chiều “Mình không thích Trang” và “Mình đang giúp Trang”.
Để giảm đi mâu thuẫn của hai thái cực trong đầu và xoa dịu thì Tuấn phải tự biện minh cho sự giúp đỡ của mình là “có thể là Trang cũng không đến nỗi nào, không phải là do mình yếu đuối, dễ sai bảo, mà là do Trang đáng mến nên mình mới giúp bạn ấy thôi”.
Nếu Trang tiếp tục áp dụng chiến thuật này một cách khéo léo, chắc bạn cũng đoán được điều gì sẽ xảy ra rồi nhỉ.
Bản chất của ví dụ trên là vì con người không thích sống với những mâu thuẫn, nên để giảm mức độ mâu thuẫn do cognitive dissonance gây ra, con người luôn tìm lí do nào đó để giải thích cho việc mình làm.
Vậy thì giờ bạn đã hiểu tại sao trong suốt những năm qua, Xuka vẫn chung thủy với Nobita dù cậu bé có hậu đậu và phiền toái như thế nào rồi đúng không? Nhà văn Lev Tolstoy, tác giả của “Chiến tranh và Hòa Bình”, đã viết: “Chúng ta không yêu ai đó nhiều vì những việc họ làm, mà vì những gì mình làm cho họ”.
Tóm lại theo lý thuyết này là ” HÃY NHƯ TRANG, HÃY NHƯ NOBITA bạn nhé”. Nếu bạn áp dụng đúng cách và đúng thời điểm thì sẽ chinh phục được trái tim crush của mình thôi.
Nguồn: Controversial Convention