Báo cáo của Manpower Group cho thấy có đến 37% giới trẻ Nhật Bản nghĩ rằng họ sẽ phải làm việc đến chết để trang trải chi phí cuộc sống.
Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với tinh thần làm việc chăm chỉ, nhưng đáng buồn thay đây cũng là nơi có tỷ lệ “u sầu” nhiều nhất trong thế hệ trẻ.
Trong khi giới trẻ của nhiều nước trên thế giới cảm thấy lạc quan về tương lai thì gần 40% số thanh thiếu niên Nhật Bản lại bi quan về cuộc sống.
Theo nghiên cứu của Manpower Group, giới trẻ Nhật Bản thậm chí còn bi quan hơn cả những người cùng lứa tại Hy Lạp, đất nước vốn đang chịu cơn suy thoái kinh tế tồi tệ cũng như các biến động chính trị trong những năm gần đây.
Mặc dù chính quyền Tokyo đã nỗ lực để giảm bớt quan điểm bi quan về cuộc sống như chương trình cải cách kinh tế và gia tăng thu nhập cho lao động của Thủ tướng Shinzo Abe nhưng giới trẻ Nhật Bản không cảm thấy lạc quan hơn. Hầu hết tầng lớp thanh thiếu niên nước này đã dự đoán một nền kinh tế tăm tối cùng một tương lai không mấy sáng sủa phía trước, qua đó dẫn đến tâm lý bi quan trong cộng đồng.
Nỗi lo lắng của giới trẻ Nhật Bản không phải không có cơ sở khi họ đang phải đối mặt với gánh nặng người cao tuổi, nhóm dân số tăng nhanh nhất tại đây. Thêm vào đó, hơn 1/3 số lao động Nhật Bản đang phải làm những công việc lương thấp nhàm chán trong khi nợ công của nước này đã lên mức cao nhất thế giới.
Bất chấp một hệ thống an sinh xã hội và lương hưu tốt, rất nhiều bạn trẻ mới ngoài 20 tuổi ở Nhật Bản đã bắt đầu tính toán đến cuộc sống sau nghỉ hưu cũng như cố gắng tiết kiệm cho tương lai. Mức thu nhập thấp hoặc không đủ chi tiêu khiến nhiều cặp đôi trẻ phải tạm hoãn cưới, mua nhà hoặc khiến nhiều cặp vợ chồng hoãn sinh con.
Báo cáo của ManpowerGroup cho thấy có đến 37% giới trẻ Nhật Bản nghĩ rằng họ sẽ phải làm việc đến chết để trang trải chi phí cuộc sống.
Không thể cưới vợ, sinh con vì thiếu tiền
Anh Kohei Ito, một sinh viên 24 tuổi mới tốt nghiệp cho biết hệ thống lương hưu hiện nay đã không còn phù hợp trong khi chính phủ không chịu cải cách chúng. Anh Ito hiện đang có ý định chuyển sang nước ngoài để sinh sống và làm việc.
“Tôi không cho rằng nền chính trị Nhật Bản sẽ cải thiện và tôi cũng không nghĩ rằng kinh tế sẽ tốt hơn”, anh Ito nói.
Mới đây, khảo sát của Japan Productivity Center cho thấy giới trẻ nước này không còn thích khởi nghiệp hay mạo hiểm như trước, thay vào đó họ ưa chuộng sự ổn định hơn.
“Giới trẻ Nhật ngày này thích làm việc tại các công ty lớn hơn. Nếu bạn xin được việc vào một tập đoàn lớn khi còn trẻ thì cuộc sống sẽ ổn định hơn”, anh Daisuke, một nhân viên 23 tuổi nói.
Theo chuyên gia Randall Jones của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tư tưởng an toàn và bi quan này là vô cùng nguy hiểm tại Nhật Bản khi giới trẻ chỉ muốn vào làm tại những doanh nghiệp lớn hoặc công ty nhà nước.
Ông Jones nhận định việc thay đổi tư tưởng này là vô cùng quan trọng nếu Nhật Bản muốn tăng hạng trong bảng xếp hạng phát triển doanh nghiệp tư nhân toàn cầu, nơi nước này đứng ở vị trí rất thấp. Thêm vào đó, quan điểm bi quan của giới trẻ cũng sẽ khiến sự sáng tạo và năng suất giảm sút, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như dân số.
Nhật Bản hiện có rất nhiều bằng sáng chế cũng như lượng vốn dồi dào nhưng điều đáng ngạc nhiên là quốc gia này không có đủ doanh nhân, nhà khởi nghiệp hay công ty để có thể thương mại hóa những phát minh trên.
Cũng như bao giới trẻ Nhật khác, những người như anh Oya hiện có giấc mơ rất bình thường là có công việc ổn định, có đủ tiền để cưới vợ sinh con. Tuy nhiên, hiện thực ngày nay khá phũ phàng khi thu nhập của anh rất thất thường.
“Bạn gái tôi nói rằng nếu cứ như thế này thì chúng tôi sẽ không thể kết hôn, không thể có con. Nói thực lòng, tôi khá sốc khi phải nghĩ về điều đó”, anh Oya cho biết.
Đoạn hội thoại trên giữa các cặp đôi trẻ Nhật là khá bình thường và diễn ra phổ biến ngày nay. Nghiên cứu của Viện Meiji Yasuda cho thấy tỷ lệ muốn kết hôn ở giới trẻ Nhật đã giảm mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây, xuống mức 39% tại nam giới và 59% tại nữ giới. Phần lớn nguyên nhân được mọi người đề cập đến là do thu nhập của họ không đủ chi trả các chi phí hiện nay.
Nợ nần chồng chất
Giáo sư Hiroaki Miyamoto của trường đại học Tokyo nhận định nền kinh tế Nhật Bản hiện đang lâm vào tình trạng phân cấp thị trường lao động. Trong khi những lao động tầng lớp cao được hưởng chính sách ưu đãi cùng mức lương hậu hĩnh thì rất nhiều lao động phổ thông có thu nhập thấp và không được bảo đảm về việc làm.
Ngoài ra, ông Miyamoto còn cho rằng môi trường lao động ngày nay không đào tạo được nhiều kỹ năng cho nhân viên hoặc tạo điều kiện cho họ phát triển và đây là một yêu tố vô cùng nguy hiểm với nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn.
Nghiêm trọng hơn, nhiều khả năng giới trẻ Nhật trong tương lai phải chịu khoản nợ khổng lồ do chính sách của chính quyền Tokyo đang thực hiện.
Số liệu của tổ chức Bertelsmann Stiftung tính trong năm 2011 cho thấy tỷ lệ nợ công tính bình quân trên mỗi trẻ em dưới 15 tuổi tại Nhật vào khoảng 794.000 USD, cao gấp 2,5 lần Italy và Hy Lạp, những nước đang có nền kinh tế bất ổn trên thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn phải chi một khoản ngân sách lớn để trợ cấp cho tầng lớp người già đông đảo và điều này khiến lớp trẻ càng có cái nhìn bi quan hơn về cuộc sống.
Báo cáo của ngân hàng UBS năm 2015 cho thấy tiêu dùng nội địa Nhật đang chững lại còn tỷ lệ tiết kiệm lại tăng mạnh. Trong đó, tỷ lệ tiết kiệm của thành phần giới trẻ từ 25 đến 34 tuổi thuộc hàng cao nhất trong tất cả các nhóm.
Nói cách khác, sự tăng trưởng tiêu dùng trong một thập kỷ qua tại Nhật Bản chủ yếu đến từ những người trung niên và tầng lớp già.
Chuyên gia Jones của tổ chức OECD nhận định hiện chính quyền Tokyo đang gặp khó trong việc duy trì mức nợ công không tăng quá cao bởi điều này đồng nghĩa với việc phải tăng thuế tiêu thụ hiện đang ở mức 8%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20% của OECD. Động thái tăng thuế hiện nay có thể khiến lạm phát và tiêu dùng giảm hơn nữa do giá cả các mặt hàng đi lên trong khi thu nhập không tăng.