Trái ngược với những thước phim hoạt hình vui tươi, mặt tối của ngành công nghiệp Anime phơi bày việc họa sĩ bị bóc lột sức lao động, một vài người thậm chí tìm đến cái chết.
Khi nhân vật Pikachu đại diện cho loạt phim Pokémon tấn công thị trường nước Mỹ vào năm 1998, một làn sóng mới xuất hiện trong cuộc sống của một thế hệ thanh thiếu niên ở xứ cờ hoa.
Cơn sốt Anime (thuật ngữ chỉ các loại phim hoạt hình Nhật Bản) bắt đầu tại Mỹ vào đầu thế kỷ 21.
Dần dần, khán giả Mỹ quen thuộc với 5 cô gái chuyên nhận nhiệm vụ giải cứu thế giới trong Sailor Moon hay biệt đội hải tặc, cướp biển tìm kiếm kho báu trong One Piece.
Trong giai đoạn từ 2002-2017, hàng loạt Anime ra đời để phục vụ thị hiếu công chúng. Ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản cũng nhờ vậy ngày càng bành trướng quy mô, ước tính trị giá lên đến 19 tỷ USD.
Tuy nhiên, đằng sau nền công nghiệp hoạt hình Nhật Bản đang ngày một làm ăn thịnh vượng là thực tế không mấy tốt đẹp.
Những họa sĩ ngày ngày cống hiến cho việc sản xuất Anime chỉ nhận mức lương rẻ mạt, cường độ làm việc cao cùng điều kiện công việc tồi tệ. Thậm chí, nhiều người quyết định tìm đến cái chết.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên Vox, phản ánh mặt tối của ngành công nghiệp Anime Nhật Bản. Trái ngược với những thước phim hoạt hình tươi vui, màu sắc, những con người làm việc trong ngành này phải chịu sự khai thác sức lao động đến kiệt sức mà không có bất kỳ chính sách nào bảo vệ họ.
Lương bèo bọt, làm việc đến kiệt sức
Các nhân vật, phân cảnh trong Anime hầu hết đều vẽ tay. Điều này đồng nghĩa với việc các họa sĩ cần cả kỹ năng lẫn kinh nghiệm dày dặn để hoàn thành nhanh chóng một bộ phim.
Shingo Adachi, nhà làm phim hoạt hình và thiết kế nhân vật cho Anime Sword Art Online nổi tiếng, cho biết việc thiếu hụt nhân lực trong ngành này là vấn đề nghiêm trọng chưa có giải pháp.
Với gần 200 phim hoạt hình phát hành mỗi năm tại Nhật Bản, số lượng họa sĩ lành nghề không đủ để đáp ứng. Thay vào đó, các hãng phim thuê một nhóm lớn họa sĩ tự do, với mức lương ít ỏi.
Những người này thực hiện tất cả các bản vẽ chi tiết riêng lẻ sau khi các đạo diễn đưa ra bảng phân cảnh cho từng đoạn và các họa sĩ cấp cao hơn đã vẽ những khung hình quan trọng cho mỗi cảnh.
Những con người nghiệp dư này kiếm được khoảng 200 yen (chưa được 2 USD) cho mỗi bức vẽ. Nếu làm việc chăm chỉ, mỗi người có thể vẽ được đến 200 bức/ngày.
Tuy nhiên, có những bức tốn đến hơn một tiếng để hoàn thành, chưa kể đến các chi tiết khó như đồ ăn, kiến trúc và phong cảnh có thể tốn thời gian hơn đến 4-5 lần.
“Trước kia, các bản vẽ rất đơn giản, chỉ dừng ở mức đầu nhân vật và hai con mắt, bạn có thể vẽ xong trong 10 phút. Nhưng giờ, yêu cầu khó hơn, còn bạn làm việc trong cả tiếng đồng hồ với mức lương 2 USD/bức”, một họa sĩ tên Henry Thurlow cho hay.
Điều kiện làm việc cũng ở mức tồi tệ. Các họa sĩ hoạt hình thường xuyên ngủ gục tại bàn làm việc. Thurlow cho biết anh từng phải nhập viện nhiều lần vì kiệt sức.
Một studio mới đây bị buộc tội vi phạm quy định lao động. Cụ thể, nhân viên của hãng này phải làm việc gần 400 giờ/tháng, liên tục gần 40 ngày mà không có bất cứ ngày nghỉ nào.
Năm 2014, một họa sĩ Anime tự tử sau khi bị ép làm việc quá sức. Tổng cộng trong 1 tháng, nạn nhân “gắn” với bàn làm việc đến 600 giờ đồng hồ.
Chính sách bảo vệ người lao động còn lỏng lẻo là lý do tại sao các hãng phim có thể dễ dàng bóc lột các họa sĩ tự do để tiết kiệm các khoản chi phí cần thiết.
“Để sản xuất một bộ phim Anime tốn rất nhiều thời gian. Mọi chi tiết đều cần vẽ tỉ mỉ, đòi hỏi đến 3-4 người cùng làm việc trong một phân cảnh, từ khâu vẽ nháp đến hoàn thiện”, họa sĩ Zakoani cho biết.
Thu nhập chạm mức nghèo
Osamu Tezuka, người được mệnh danh “vị thần truyện tranh” Nhật Bản từng mạo hiểm đưa một loạt Anime lên sóng truyền hình vào những năm 1960, trong bối cảnh không ai dám thử nghiệm thể loại phim này.
Về cơ bản, Tezuka và công ty chịu lỗ nặng. Họ tìm cách bù đắp bằng các thương hiệu đồ chơi ăn theo phim. Cuối cùng, nhờ sự cứu giúp của các sản phẩm liên quan, Anime bỗng trở thành hiện tượng.
Thành công này vô tình tạo ra một tiền lệ xấu: những người theo bước chân Tezuka sản xuất Anime không được chi trả mức lương xứng đáng, đặc biệt là nữ giới.
Ngày nay, khi các công ty xét duyệt chi phí cho các bộ phim hoạt hình, mức phí luôn được giữ ở mức thấp nhất có thể.
“Chưa kể, bạn có khả năng cao bỏ việc khi kết hôn. Khi đã có gia đình, bạn cần chăm chút cho người thân chứ không phải vùi đầu vào công việc mà đồng lương vẫn không đủ”, Thurlow kết luận.
Terumi Nishii, một nhà làm phim hoạt hình, cho hay phần lớn số tiền cô kiếm được mỗi tháng nhờ kiêm thêm nghề thiết kế trò chơi điện tử. Với mức lương của họa sĩ Anime, cô khó bề duy trì nổi cuộc sống cá nhân lẫn chăm sóc cha mẹ.
“Ngay cả khi bạn thăng chức lên vị trí cao hơn hay tham gia sản xuất những bộ phim đình đám, mức lương cũng không khá khẩm hơn. Không có viễn cảnh nào tốt đẹp đối với những họa sĩ vẽ Anime như chúng tôi”, Adachi chua chát nói.
Theo Hiệp hội Sáng tạo Hoạt hình Nhật Bản, một nhà làm phim hoạt hình ở Nhật Bản kiếm được trung bình 1,1 triệu yen (10.000 USD) mỗi năm ở độ tuổi 20. Con số tăng lên 2,1 triệu yen (19.000 USD) ở độ tuổi 30 và 3,5 triệu yen (31.000 USD) vào những năm 40-50 tuổi.
Trong khi đó, thu nhập ở mức nghèo của Nhật rơi vào ngưỡng 2,2 triệu yen.
Cái giá của nghệ thuật
Bất chấp mức lương rẻ mạt cùng điều kiện làm việc tồi tệ, các họa sĩ vẫn cho ra đời những bộ phim Anime xuất sắc. Tính nghệ thuật là một trong những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của thể loại này.
Năm 2016, phim hoạt hình Your Name càn quét phòng vé, đồng thời nhận “cơn mưa” lời khen về những phân cảnh được thiết kế kỹ lưỡng, lung linh trong phim.
Bộ phim Top Ten Foods In Tokyo tái hiện thành công vẻ đẹp của ẩm thực Nhật Bản với những món mì ramen, bánh kếp, cơm hộp bento được vẽ tỉ mỉ không kém ngoài đời thực.
Thông thường, các sản phẩm ăn theo phim hoạt hình đem lại nhiều doanh thu hơn chính bản thân bộ phim.
Tuy nhiên, khi độ phủ sóng của Anime ngày càng tăng, doanh thu từ phiên bản phim cũng tăng theo. Trong năm 2017, chỉ riêng các bộ phim Anime đã chiếm gần một nửa số lợi nhuận của ngành công nghiệp này trên toàn cầu.
Song, mức chi ngân sách cho việc sản xuất phim vẫn ở mức bèo bọt, còn tiền lương chi trả cho đội ngũ làm việc vẫn không có dấu hiệu thay đổi.
Khi các công ty nước ngoài xâm nhập thị trường Nhật Bản, tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Các đài truyền hình, hãng đồ chơi và các dịch vụ phát trực tuyến dễ dàng thu được lợi nhuận, khiến không chỉ các nhà làm phim hoạt hình cá nhân khốn đốn mà cả hãng phim phải loay hoay với quỹ tiền eo hẹp.
Tuy nhiên, giải pháp cải thiện không đơn giản ở việc tăng lương cho các họa sĩ.
“Việc tăng lương mà không có thay đổi lớn trong cơ cấu ngành sẽ khiến các hãng phim khác nhanh chóng phá sản do những hạn chế về ngân sách”, Thurlow giải thích.
“Thành thật mà nói, tôi sẽ không đề xuất ai theo đuổi công việc này. Sản xuất Anime là một cấu trúc kim tự tháp, nơi nhiều người làm việc phía dưới để hỗ trợ một vài người ở phía trên. Tôi không thấy một tương lai tươi sáng khi làm nghề này”, Adachi đúc kết.
Với một vài người, Anime đơn thuần là đam mê.
“Đó là sở thích. Tôi không làm vì lợi nhuận, tôi chỉ cảm thấy mình cần phải làm nó”, một họa sĩ tên Zakoani bày tỏ.
Còn với một họa sĩ có biệt danh C.K, cảm giác “nhìn nhân vật di chuyển, cười, khóc, tức giận” là sự quyến rũ khó cưỡng của phim hoạt hình.
“Tôi không bao giờ có thể quên cảm xúc đó. Khi tôi thấy tác phẩm vẽ tay của mình được chia sẻ khắp thế giới, tôi cảm thấy hạnh phúc”, C.K mãn nguyện nói.