Sau khi chơi game trong một thời gian dài, hóa ra nhiều người sẽ thực sự xuất hiện triệu chứng “bệnh nan y” mà không phải tất cả mọi người đều biết, nhưng nói ra thì ai cũng thấy bản thân mình thực sự đang có các biểu hiện theo kiểu phản xạ có điều kiện này mà không hề hay biết. Những triệu chứng này, như đã nói, sẽ trở thành phạn xạ rất khó để sửa.
Triệu chứng đầu tiên: Ám ảnh với băng đạn
Đây là triệu chứng rất phổ biến trong các tựa game bắn súng. Ngay cả khi băng đạn còn 29/30 viên thì việc đầu tiên mà game thủ đó làm chính là thay đạn. Có những game thủ ám ảnh đến mức tỏ ra khó chịu với việc súng của họ còn ít đạn. Nếu như súng không còn đạn để thay, hoặc không đủ để lấp đầy chỗ trống đang thiếu thì việc họ làm là vứt súng đi để nhặt khẩu khác.
Triệu chứng thứ hai: Không thể giữ chân trên mặt đất
Đây là một triệu chứng tương đối phổ biến mà cũng rất nhiều người gặp phải. Đó là game thủ không thể giữ cho nhân vật của mình di chuyển như bình thường mà sẽ liên tục nhảy. Cũng giống như hiện tượng đầu tiên, đó là triệu chứng này xuất hiện phổ biến trong các tựa game bắn súng hoặc sandbox. Thậm chí, nhiều game thủ tin rằng, việc nhảy lên có thể tránh được đạn và tăng tốc độ di chuyển. Cuối cùng, việc nhảy trong game sẽ trở thành vô thức, tức là nhảy mà chẳng có mục đích gì.
Triệu chứng thứ ba: Nghiện nhặt đồ
Đây là “căn bệnh” xuất hiện rất nhiều trong các tựa game cần phải tích lũy vật phẩm và trang bị như game sinh tồn chẳng hạn. Có người chơi chỉ chăm chăm nhặt đồ, loot đồ mà thậm chí chẳng cần quan tâm đến việc có thực sự cần đến nó hay không. Đôi khi, việc nghiện nhặt đồ này sẽ dẫn đến nguy hiểm cho bản thân và đồng đội. Song, như đã nói, triệu chứng này trở thành thói quen và rồi tiến hóa thành phản xạ của game thủ khi chơi game, cứ thấy đồ là phải nhặt đã, mọi nguy hiểm tính sau.
Triệu chứng thứ tư: Nghiện “delay”
Tức là thay đổi vũ khí liên tục, đặc biệt là trong các tựa game bắn súng. Vừa di chuyển, game thủ sẽ liên tục nhấn nút để thay đổi vũ khí, từ súng sang dao, từ dao sang súng lục. Tất nhiên, việc này thường là không cần thiết và game thủ chỉ thực hiện theo phản xạ mà thôi. Có thể, điều này khiến cho người chơi cảm thấy chuyên nghiệp hơn chăng? Nó cũng giống như triệu chứng đầu tiên vậy, đôi khi sẽ dẫn đến hậu quả là không thể phản ứng được khi gặp địch, kết quả là mất mạng oan.
Triệu trứng thứ năm: “Rối loạn theo dõi”
Những người gặp phải triệu chứng này thường là chơi game sinh tồn hoặc đua xe. Khi ẩn nấp và theo dõi kẻ thù, cơ thể của game thủ sẽ vô tình quay sang một bên và cảm th ấy rằng như vậy mình sẽ có được tầm nhìn tốt hơn. Tất nhiên, điều này là vô lý. Đây cũng là một phản xạ có điều kiện và nhiều lúc game thủ sẽ thực hiện nó trong vô thức.
Triệu chứng thứ sáu: Spam Tab
Căn bệnh này chủ yếu xảy ra với những người chơi FPS hay MOBA khi liên tục kiểm tra bảng tỉ số dù đôi khi nó không hề có sự thay đổi gì. Ngay từ khi vào trận, công việc đầu tiên mà họ sẽ làm là spam nút Tab liên tục. Sau khi hạ đối phương, nhấn Tab, sau khi bị hạ cũng nhấn Tab. Nhiều lúc không có chuyện gì xảy ra, cũng liên tục Tab.
Trên đây là các triệu chứng được xem là “bệnh nan y” bởi rất khó để sửa chữa cho những người gặp phải thói quen này. Bởi nó sẽ trở thành phản xạ và đôi khi, game thủ sẽ cảm thấy việc thay đổi là không cần thiết và nó cũng chả ảnh hưởng gì đến trận đấu. Còn việc có ảnh hưởng hay không thì game thủ có thể tự rút ra được kết quả cho bản thân.
Nguồn: Gamek.vn