Otaku là một thuật ngữ tiếng Nhật dùng để ám chỉ những người quá say mê anime (hoạt hình), manga (truyện tranh), hay game, những thứ 2D tới mức kì quái.
Otaku
Nhiều người đã biết ai là otaku, ít nhất là những bạn đọc manga hay xem anime, hoặc đã từng đến Nhật Bản. Otaku là người thích đọc truyện tranh, xem phim hoạt hình, và thu thập những thứ liên quan đến truyện tranh và phim hoạt hình. Rất nhiều otaku chia sẻ và lan truyền tình yêu của anime và manga với nhau, thể hiện tình yêu qua trang phục, nghệ thuật, mua hàng hóa….
Nhìn ra thì hình thái này không khác mấy với mọt sách Mỹ thích đọc tiểu thuyết đồ họa về các siêu anh hùng và mặc như anh hùng yêu thích của họ trong một hội nghị truyện tranh, hay những người Việt Nam từng mê truyện chưởng, ngôn tình. Otaku tập trung nhiều hơn vào manga và anime, hoặc bất cứ điều gì liên quan đến manga và anime.
Manga và anime là truyện tranh và hoạt hình phim hoạt hình được sản xuất tại Nhật Bản đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và lượng người hâm mộ ngày càng nhiều, nhất là giới trẻ. Trên phương tiện truyền thông, bao gồm cả trong manga và anime, otaku thường được xem như hiện tượng lạ, có hành vi kỳ dị và khác thường. Trở thành một otaku cũng coi như tự cho mình là “tà phái”.
Nhưng sao có thể gọi là “lệch lạc” với một lượng người yêu thích lớn như vậy, và phong trào ngày một lan rộng? Phải chăng đó cũng chỉ là một hình thái, một phần của văn hóa dần dần phải chấp nhật? Phải chăng otaku vừa là “tà”, vừa không “tà”?
Sự khác nhau giữa một Otaku và một Weeaboo là gì?
Bên cạnh Otaku chính là Weeaboo, đây là một thuật ngữ dành để chỉ những người có sở thích giống với Otaku nhưng họ là những người không thuộc Nhật Bản. Hay đơn giản, Weeaboo là từ dùng để nói về những người nước ngoài yêu thích văn hóa 2D tại Nhật Bản và nếu muốn trở thành 1 Otaku thì họ sẽ được áp dụng từ này cho mình. Dễ hiểu như vậy nhưng cũng có rất nhiều người không phân biệt được 2 từ này.
Tại sao Otaku lại bị cho là tiêu cực?
Otaku đã từng bị hiểu theo một hàm nghĩa rất tiêu cực vì nó được sử dụng để ám chỉ những người sống bên ngoài xã hội. Những người này dành phần lớn thời gian ở nhà, không có đời sống tình cảm, mối quan hệ với những người xung quanh và họ sẽ thực sự gặp khó khăn nếu muốn gia nhập guồng quay thường nhật của xã hội.
Ở Nhật Bản, Otaku thường được coi là một từ xấu. Nhắc tới Otaku là nhắc đến những người hầu như không có bất kỳ mối liên hệ gì với thế giới bên ngoài vì họ chỉ sống trong thế giới của manga, anime hay game… và mong muốn những điều không tưởng. Chính vì thế ngày xưa, nếu ở Nhật mà bạn “bị” gọi là một Otaku thì gần như là một sự sỉ nhục. Bởi vì đối với người Nhật, Otaku không chỉ đơn giản là fan mà là thành phần điên rồ quên mình về một thú vui tới mức bệnh hoạn, thậm chí các Otaku hầu như phải “ẩn thân” nếu chẳng may bị nhận ra thì sẽ bị soi mói và xa lánh.
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng thuật ngữ này tại Mỹ thì lại “không vấn đề gì”, thậm chí còn tìm được rất nhiều người “hợp rơ” với mình cơ đấy. Vì Otaku tại Mỹ thường được dùng để chỉ những người hâm mộ anime hay manga, game… nên cách gọi này không có gì là xấu hay có hàm ý lăng mạ gì cả. Có thể nói, nhờ phương Tây, định nghĩa về Otaku trở nên dễ thở hơn và dần thay đổi ý nghĩa thành một điều tích cực.
Còn tại Việt Nam thì sao nhỉ? Thuật ngữ Otaku hình như rất ít khi được sử dụng trong giới yêu thích truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản. Nhưng đâu phải vì thế mà không có những người tự gọi mình là Otaku, mặc dù có thể họ chưa thật sự hiểu ý nghĩa của từ này.
Nói chung, có khá nhiều những định nghĩa, cách hiểu khác nhau về một Otaku. Bởi Otaku được hiểu như thế nào còn bị ảnh hưởng bởi môi trường bạn đang sống hay do cách bạn thể hiện mình là một Otaku như thế nào trong mắt mọi người đấy nhé!