Trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng đế Càn Long có vô số hậu phi nhưng khi lớn tuổi ông vẫn nạp thêm mỹ nữ vào hậu cung của mình. Trong đó có một nữ nhân rất được sủng ái, thậm chí có thể nói là độc sủng lục cung nhưng lại không hạ sinh người con nào cho Hoàng đế. Đó chính là Tuần phi Y Nhĩ Căn Giác La thị.
Vào thời kỳ Mãn Châu, tất cả nữ nhân Bát kỳ quý tộc đều phải tham gia tuyển tú của hoàng cung. Một khi may mắn trở thành phi tần của Hoàng đế có thể xem như cả đời hưởng vinh hoa phú quý vô tận.
Năm Hoàng đế Càn Long 66 tuổi, ông đã quyết định cử hành đợt tuyển tú cuối cùng trong thời gian tại vị của mình. Lúc đấy, có một nàng mỹ nữ 19 tuổi đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế. Với ngoại hình xinh đẹp và xuất thân cao quý, Y Nhĩ Căn Giác La thị đã trở thành phi tần nhập cung cuối cùng trước khi Hoàng đế Càn Long thoái vị.
Y Nhĩ Căn Giác La thị xuất thân quý tộc, thuộc Mãn Châu Tương Lam Kỳ, phụ thân là Quế Lâm, Tổng đốc Lưỡng Quảng. Quế Lâm là một vị quan chức, lãnh tướng của Hoàng đế Càn Long. Có thể chính nhờ vào xuất thân cao quý của mình mà khi nhập cung, Y Nhĩ Căn Giác La thị được sơ phong Quý nhân. Phân vị này rất cao so với những người mới vào cung.
Cùng năm đó, nàng được phong thành Tần, tốc độ tấn phong của Y Nhĩ Căn Giác La thị rất nhanh.
Hoàng đế Càn Long vô cùng yêu thương Tuần tần và luôn để nàng bên cạnh mình. Tuy nhiên, nàng không có bất kỳ dấu hiệu mang thai nào cả. Hoàng đế cũng mong muốn bản thân có nhiều con cái hơn lúc xế chiều nên rất lo lắng về Tuần tần.
Vào chính lúc đấy, Đôn phi Uông thị đã hạ sinh Thập công chúa, về sau Thập công chúa được phong thành Cố Luân Hòa Hiếu Công chúa. Từ đấy có thể nhận ra, Hoàng đế Càn Long vẫn có thể có con vào độ tuổi gần đất xa trời, vấn đề ở đây xuất phát từ Tuần tần. Từ thời điểm đấy, Hoàng đế dần dần không còn sủng ái Tuần tần và không muốn triệu kiến nàng.
Tuần tần không còn sự yêu thương của “trượng phu” (chồng) cũng không hề có con cái bầu bạn bên cạnh, chỉ có thể sống đơn côi trong nơi hậu cung lạnh lẽo.
Năm Càn Long thứ 59, trước khi thoái vị, Hoàng đế Càn Long đại tấn phong hậu cung, Y Nhĩ Căn Giác La thị trở thành Tuần phi.
Sau đó, khi Vĩnh Diễm lên ngôi, trở thành Hoàng đế Gia Khánh, ông đã tôn phong Y Nhĩ Căn Giác La thị thành Tuần Thái phi.
Theo quy định của hậu cung, khi đến sinh nhật hậu phi sẽ nhận được phong thưởng đặc biệt, nhưng vào sinh nhật thứ 40 của Tuần Thái phi đã xảy ra một sự cố. Năm Gia Khánh thứ 2, đáng lý Nội vụ phủ phải đưa quà đến cung của nàng vào đúng vào sinh nhật (tháng 9) nhưng không hiểu vì lý do gì mà các cung nhân đã đưa quà vào tháng 5.
Thái thượng hoàng Càn Long khi biết chuyện đã trách phạt Nội vụ phủ. Nhưng sự cố trên đã để lại hậu quả nặng nề, Tuần Thái phi không thể ăn ngon ngủ yên sau đó. Đến tháng 11 cùng năm, Tuần Thái phi qua đời do bệnh nặng ở tuổi 40.
Không có bất cứ dữ liệu lịch sử nào ghi nhận Y Nhĩ Căn Giác La thị được Hoàng đế Càn Long phong thành Quý phi. Nhưng trong một số tài liệu lịch sử lại ghi Y Nhĩ Căn Giác La thị là Tuần Quý phi.
Sau khi Y Nhĩ Căn Giác La thị mất, Thái thượng hoàng Càn Long nghĩ đến sự tốt đẹp của nàng khi còn sống và công lao của lãnh tướng Quế Lâm, ông đã hạ chỉ an tán Y Nhĩ Căn Giác La thị theo nghi thức Quý phi. Điều này có thể xem như truy phong nàng thành Quý phi.
Năm Gia Khánh thứ 4, Tuần Thái phi Y Nhĩ Căn Giác La thị được an táng tại Dụ lăng Phi viên tẩm. Không chỉ được an táng tại Dụ lăng Phi viên tẩm, mà Y Nhĩ Căn Giác La thị còn được chôn trong địa cung của Thuần Huệ Hoàng quý phi . Nơi này còn chôn cất Kế Hoàng hậu Na Lạp thị.
Sắp xếp như thế này mặc dù có vẻ bừa bãi nhưng lại thể hiện được chuyện Thái thượng hoàng Càn Long rất xem trọng Tuần phi Y Nhĩ Căn Giác La thị. Đáng tiếc, dù Y Nhĩ Căn Giác La thị nhận không ít ân sủng nhưng lại không thể có con.
Nguồn: Sina, Sohu, Qulishi, Baidu
Nguồn: Gamek.vn