Như các bạn đã biết, Pikachu và các chú Pokemon ngày nay, khác với đa số nhiều người cho rằng chúng có nguồn gốc ban đầu trong anime/ manga thực chất chúng lại có nguồn gốc ban đầu là… từ game. Vậy, Pikachu và các chú Pokemon đã “chuyển mình” từ game qua phim như thế nào, đâu là những tựa game và những bộ phim nổi bật về Pokemon?
Bài viết có sử dụng tư liệu từ website Pokemonviet.com và Pokemon Wikipedia
I. Lịch sử
Pokémon được hãng Nintendo cho ra đời vào năm 1996 nhằm phục vụ cho hệ máy cầm tay phổ biến nhất của họ: Game Boy, dưới sự sáng tạo của 1 nhà thiết kế game người Nhật tên là là Satoshi Tajiri. Mọi thứ bắt đầu với Tajiri 1 cách đơn giản, với ý tưởng từ… sở thích hồi nhỏ của ông, khi ông hay tìm bắt những con bọ cho vào hũ và thầm ước chúng có thể được mình huấn luyện để chiến đấu như một bộ phim giả tưởng trên tivi mà ông rất thích xem. Qua nhiều năm, Tajiri quyết định hiện thực hóa mơ ước đó, để có thể chia sẻ niềm vui thuở nhỏ của ông đến tuổi thơ của những đứa trẻ khác trên thế giới.
Quá trình thiết kế trò chơi khó khăn, phức tạp đến mức Tajiri phải mất đến sáu năm mới có thể cho ra đời trò chơi Pokémon mà chúng ta yêu thích. Với sự giúp đỡ của Ken Sugimori và những người bạn khác, Tajiri đã thành lập Game Freak và rất lâu sau đó là studio thiết kế được biết đến với cái tên Creatures.
Khi Taijiri biết đến Game Boy và Game Boy Link Cable, ông đã nảy ra ý tưởng những con sâu du hành trong sợi dây. Taijiri còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Ultra Seven, một chương trình truyền hình của Ultraman Fantasy mà trong đó nhân vật chính sử dụng những con quái vật khổng lồ được chứa trong những viên nhộng nhỏ giúp đỡ trong chiến đấu. Cùng với nhau, chúng là nguồn gốc giúp cho ông nảy ra ý tưởng cho một tựa game mới tên là Capsule Monsters (nhưng sau này đã đổi thành Pocket Monsters do tránh bản quyền, gọi tắt là Pokemon).
Sau nhiều lần thất bại trong việc đề xuất ý tưởng này cho Nintendo, người bạn mới của Taijiri là Shigeru Miyamoto đã giúp đỡ ông, nhờ đó mà Nintendo bắt đầu tài trợ cho dự án.
Các bản vẽ gốc của game được thực hiện bởi họa sĩ Ken Sugimori, bạn của Taijiri, trong khi âm nhạc và hiệu ứng âm thanh xuất hiện trong game được soạn bởi Junichi Masuda. Sau khi hoàn tất sửa lỗi, Shigeki Morimoto đã đưa Mew vào game. Tuy nhiên, Game Freak lại muốn giữ bí mật trước truyền thông về con pokemon thứ 151 này tới khi có event.
Dự án này đã gần như đẩy Game Freak đến bờ vực phá sản. Năm nhân viên của công ty đã phải nghỉ việc vì điều kiện tài chính thiếu thốn, còn Taijiri phải làm việc không công trong nhiều giờ. Cuối cùng, sau 6 năm kể từ ngày bắt đầu, 2 bản game đầu tiên là Pokemon Red và Pokemon Green đã được phát hành cho hệ máy Game Boy vào năm 1996.
Pokemon có doanh thu khởi đầu khá khiêm tốn. Tuy nhiên, khi người chơi khám phá ra Mew trong game, tạp chí CoroCoro đã thông báo chương trình “Tặng pokemon huyền thoại”, phân phát pokemon huyền thoại Mew cho hai mươi thí sinh. Cuộc thi đã thu hút tới 78000 thí sinh đến tham dự, do đó mà doanh thu của game được tăng lên nhanh chóng. Với doanh thu cao như vậy, Pokemon Blue được ra đời sau Pokemon Red và Green với sự cải thiện về đồ họa và âm thanh.
Cứ thế, Pokemon đã trở thành 1 hiện tượng cực nổi tiếng tại Mỹ vào năm 1998 và dần dần trở thành 1 thương hiệu thống trị toàn cầu. Hàng loạt các sản phẩm ăn theo xuất hiện, từ game thẻ bài Pokemon Trading Cards được phát triển bởi Media Factory, đồ chơi, các dạng video game với các phiên bản ngày được nâng cao hơn Red – Green – Blue – Yellow. Và trong số đó, không thể không nhắc tới manga và anime.
Vào tháng 11 năm 1996, manga “Pokemon Pippi” được xuất bản lần đầu tại nhà xuất bản Shogakukan. Manga này trở thành loạt series cực ăn khách bởi tính hài hước và bựa của nó, đủ sức hạ gục trái tim của những độc giả khó tính nhất. Cho đến tận bây giờ, Pokemon Pippi vẫn chứng tỏ sự thu hút của mình khi nó luôn được fan hâm mộ tại nhiều quốc gia yêu cầu việc tái bản, thậm chí còn hơn cả series Pokemon manga dài tập có tên Pokemon Special.
Sự nổi tiếng của Pokemon đã dẫn tới loạt phim anime dựa vào cốt truyện của game, được phát hành tại Nhật Bản vào ngày 1 tháng 4 năm 1997. Nhân vật chính là một nhà huấn luyện Pokemon trẻ tuổi tên là Satoshi (tên tiếng Anh là Ash Ketchum, dựa theo tên Satoshi Taijiri), phỏng theo nhân vật Red trong game.
Một nhân vật khác cũng được giới thiệu ở tập đầu tiên là đối thủ của Satoshi, Shigeru Okido – cháu trai của giáo sư Yukinari Okido (tên tiếng Anh là Gary Oak, dựa theo tên Shigeru Miyamoto), phỏng theo nhân vật Blue. Tại thị trường Bắc Mỹ, vào tháng 9 năm 1998, Pokemon anime cũng được chiếu rộng rãi và nhận được sự yêu thích không thể ngờ đến. Các season, movie chiếu rạp của Pokemon lên kệ ngày càng nhiều với sự phát triển của các hệ Gen mới.
Khẩu hiệu “Gotta Catch ‘em All!” trở thành 1 trong những slogan nổi tiếng nhất lịch sử. Thương hiệu Pokemon ngày càng thêm nổi tiếng và phát triển mạnh đến tận ngày nay.
II. Danh sách các phần game chính thống nổi tiếng
Phân chia theo hệ máy và năm, ta có thể sắp xếp như sau:
– Game Boy:
+ Năm 1996: Pokémon Red – Pokémon Green – Pokémon Blue
+ Năm 1998: Pokémon Yellow
– Game Boy Color:
+ Năm 1999: Pokémon Gold – Pokémon Silver
+ Năm 2000: Pokémon Crystal
– Game Boy Advance:
+ Năm 2002: Pokémon Ruby – Pokémon Sapphire
+ Năm 2004: Pokémon Fire Red – Pokémon Leaf Green – Pokémon Emerald
– Nintendo DS:
+ Năm 2006: Pokémon Diamond – Pokémon Pearl
+ Năm 2008: Pokémon Platinum
+ Năm 2009: Pokémon Heart Gold – Pokémon Soul Silver
+ Năm 2010: Pokémon Black – Pokémon White
+ Năm 2012: Pokémon Black 2 – Pokémon White 2
– Nintendo 3DS:
+ Năm 2013: Pokémon X – Pokémon Y
+ Năm 2014: Pokémon Omega Ruby – Pokémon Alpha Sapphire
+ Năm 2016: Pokémon Sun – Pokémon Moon
+ Năm 2017: Pokémon Ultra Sun – Pokémon Ultra Moon
– Nintendo Switch:
+ Năm 2018: Pokémon: Let’s Go, Pikachu! – Pokémon: Let’s Go, Eevee!
+ Năm 2019: Pokémon Sword – Pokémon Shield
II. Danh sách Pokemon Anime TV series
– Pocket Monsters (từ tập 001 – 082)
– Pocket Monsters Orenji Shotou (từ tập 083 – 118)
– Pocket Monsters Gold & Silver (từ tập 119 – 276)
– Pocket Monsters Advanced Generation (từ tập 227 – 469)
– Pocket Monsters Diamond & Pearl (từ tập 470 – 660)
– Pocket Monsters Best Wishes (từ tập 661 – 804)
– Pocket Monsters XY (từ tập 805 – 897)
– Pocket Monsters XY & Z (từ tập 898 – 944)
– Pocket Monsters Sun & Moon (từ tập 945 – vẫn đang được phát sóng)
Không chỉ vậy, sắp tới thương hiệu Pokemon sẽ chính thức bước chân trở thành 1 thương hiệu phim bom tấn, với phim Detective Pikachu ra mắt vào ngày 10/5. Hãy cùng đợi chờ và chứng kiến sự dễ thương của những chú Pokemon sẽ như nào trong đời thực nhé!