Những ngày cuối tháng 12/2019, cả thế giới còn đang sống trong không khí mùa lễ hội cuối năm, hân hoan chia tay thập niên 2010s để chuẩn bị bước sang một thập niên mới. Trong khoảng thời gian đó, một thứ nhỏ bé âm thầm xuất hiện và len lỏi vào từng hơi thở của con người. Nó nhỏ bé đến mức tưởng như vô hình và phải mất 14 ngày mới có thể phát hiện ra sự xâm nhập của nó trong cơ thể. Và chỉ trong vòng hơn hai tháng, virus Corona đã khiến cả thế giới đảo lộn, kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề và chính thức, được coi là đại dịch.
Trong lịch sử, ở thế kỷ 13, bệnh dịch hạch hay còn gọi là “cái chết đen” đã giết chết một phần ba dân số toàn châu Âu. Tới thế kỷ 19, dịch tả đã thanh lọc 10 triệu người trên toàn cầu. Khi thập niên 1990s trôi qua, thập niên 2000s cũng mở màn với “đại dịch” SARS khiến gần 1.000 người trong số hơn 8.000 ca nhiễm bệnh tử vong.
Thế nhưng, trong số những đại dịch đã từng quét qua hành tinh này, chưa có đại dịch nào mang nhiều sự kinh hoàng, ám ảnh như Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1 triệu người nhiễm, gần 60.000 ca tử vong. Điều ám ảnh là nó không dừng lại. Cứ mỗi 1 tuần, chúng ta lại thấy xuất hiện thêm 1 quốc gia chen chân vào “bảng xếp hạng điểm nóng” của dịch. Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Pháp… lần lượt đều vượt qua Trung Quốc cả về số người nhiễm lẫn ca tử vong. Không ai biết khi nào nó sẽ dừng lại, và không ai biết, ngày mai, tuần sau, sẽ là chấm đỏ nào xuất hiện trên bản đồ dịch.
Đúng như tên bộ phim “No Country for Old Men” (Không chốn dung thân cho người già) và câu thoại: “You can’t stop what’s coming”. Chúng ta chẳng thể ngăn chặn được những gì sắp tới. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra, chu kỳ 14 ngày ủ bệnh của Coronavirus có thể xảy đến với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu. Và trong 14 ngày ấy, những nỗi sợ hãi của con người hiện đại dần dần hé mở, lộ ra những gì chúng ta còn khuyết thiếu và tan vỡ.
Lần đầu tiên, nỗi sợ về một thế giới đang trở mình biến đổi lại trở nên thực tế đến vậy. Cách đây 1 vài tháng, hình ảnh NewYork, Paris, London vắng tanh không một bóng người thật sự chỉ nằm trong những giấc mơ hoang đường nhất – thì bây giờ, hãy nhìn bảo tàng Louvre trơ trọi giữa màu trời xanh của Paris, hãy nhìn những đại lộ vun vút ở Mahattan, hay những khu chợ không còn tiếng nói cười ở London. Mọi thứ giống trong một thước phim hậu tận thế, chỉ có điều là chúng đang diễn ra ở thì thực tại, ngay trước mắt chúng ta.
Trong cảnh khốn cùng và nỗi sợ hãi về một thảm hoạ, chúng ta để lộ ra những sợ hãi bản năng khác. Nỗi sợ thiếu thốn được châm ngòi khi “ngày tận thế” đến gần nhanh chóng và biến thành cơn hoảng loạn, tạo nên bao cuộc tranh giành hàng hóa, đồ tích trữ. Ở những đất nước giàu có nhất, chúng ta vẫn không khỏi đau xót khi nhìn thấy hình ảnh người già bật khóc tuyệt vọng khi đứng nhìn những kệ hàng trống trơn.
Nỗi sợ của những thói quen bị xáo trộn là thứ chúng ta cũng đang phải đối mặt. Cuộc sống bình yên bỗng chốc xoay chuyển 180 độ theo một kịch bản mà chẳng ai ngờ tới, và chỉ ngày một tệ hơn. Nỗi sợ này khiến chúng ta bi quan về một tương lai bất định, về một cơn ác mộng chưa biết thời điểm chấm dứt. Thế giới hiện đại đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về môi trường, về kinh tế, về con người … Thật khó có thể định nghĩa “bình thường” trong một thế giới liên tục có những điều “bất ổn” như vậy.
Nỗi sợ bị “dắt mũi” chính là điều mà dường như nhiều nơi ở châu Âu đang gặp phải lúc này. “Tại sao phải nghe theo?”, “Tại sao phải làm như vậy?”, “Tại sao phải đeo khẩu trang?”, “Trường học không thể nghỉ học được”… là những câu hỏi quá khó trả lời đối với những xã hội mà sự tự do cá nhân được đề cao.
Nỗi sợ bị kỳ thị xuất hiện và làm dấy lên nỗi đau về một thế giới chia cách. Phân biệt chủng tộc từ lâu đã là một thứ tồn tại trong nhiều xã hội cực đoan, nay có dịp bùng phát hơn bao giờ hết. Người bệnh, hay đơn giản chỉ là người bị nghi nhiễm bệnh, hoặc người tới từ vùng dịch, bị coi như một thứ dịch bệnh đáng kinh tởm cần phải xa lánh khỏi xã hội loài người vĩnh viễn.
Những nỗi sợ vẫn được sinh ra và nối dài, ngày càng khiến con người đánh mất sự cân bằng và lạc quan. Nhưng chính Coronavirus đã cho chúng ta thấy thế giới hiện đại ngày nay đang phải đối mặt với những gì, và chúng ta cần làm những gì để sửa chữa nó.
Chưa bao giờ loài người lại cần một “mùa hè” thực sự như lúc này để ánh nắng mặt trời xua tan sự ảm đạm của dịch bệnh, của những nền kinh tế đang bị hủy hoại nặng nề và cả những nỗi sợ vô hình trong tâm tưởng đang ngày một lớn hơn.
Thay vào đó, đây là một dịp để chúng ta thay đổi lối sống, tạo cho mình những thói quen mới. Chúng ta quan tâm đến vệ sinh cá nhân hơn, chăm lo đời sống tinh thần nhiều hơn, học cách tìm niềm vui và sự an toàn ở những giá trị bên trong, thay cho những hào nhoáng bên ngoài. Ta trở về nhà và tìm thấy giá trị của một nơi trú ẩn. Thay vì sợ hãi, hãy thể hiện mình là một người có ý thức, một người văn minh trong xã hội nhưng không hề nhún nhường. Hãy lạc quan và đối mặt với mọi thử thách bằng một trái tim tươi sáng, đầy yêu thương.
Với người Việt Nam, chưa bao giờ dịp Tết nguyên đán lại kéo dài đến vậy. 2020, có lẽ đúng là một năm nhuận.
Và chờ đợi, chẳng phải là một thứ quá xa xỉ lúc này sao?
Mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi. Xuân qua rồi Hạ tới.
Thời gian tạo ra nỗi sợ hãi nhưng cũng sẽ cuốn trôi nó đi để khi nhìn lại, “đại dịch” của ngày hôm nay sẽ chỉ còn là những câu chuyện thật đặc biệt, để chúng ta thấy rằng cuộc sống đáng trân trọng đến nhường nào và có trải qua một năm kỳ lạ như 2020, con người mới biết đối mặt với nỗi sợ để trưởng thành.
Nguồn: Gamek.vn