Quan Vũ (? – 220), tự Vân Trường, là một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng vào giai đoạn cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc.
Ông được sử sách miêu tả là một võ tướng kiêu dũng thiện chiến, đồng thời cũng được xem như biểu tượng của tinh thần trung nghĩa, vũ dũng.
Chỉ tiếc rằng một võ tướng lừng danh như Quan Vân Trường cuối cùng lại phải ra đi trong sự tiếc nuối khi mà đại nghiệp của Thục Hán vẫn chưa thành.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới cái chết của nhân vật lịch sử ấy, bên cạnh những tiếng thở dài tiếc nuối, nhiều người vẫn không khỏi thắc mắc: Liệu rằng việc Quan Vũ thất bại trong trận chiến cuối cùng của cuộc đời ông có ẩn tình gì khác đến từ phía Lưu Bị và tập đoàn chính trị Thục Hán hay không?
Theo Sina, một cuốn sử liệu được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ ở Tân Cương cách đây vài năm trở về trước đã phần nào hé mở đáp án cho câu hỏi ngàn năm vẫn khắc sâu vào tâm khảm của hậu thế nói trên.
Cái chết đột ngột của Quan Vũ: Là do thời thế hay có âm mưu sắp đặt từ trước?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Năm 215 sau khi đất Kinh Châu được phân chia lại cho hai phe Tôn – Lưu, Quan Vũ được Thục Hán cắt cử làm người trấn giữ tại nơi này.
Tới năm 219, ông đem quân đi vây đánh Phàn Thành và giành về nhiều lợi thế ban đầu trước đối thủ Tào Ngụy.
Thế nhưng khi Quan Vân Trường đang dồn hết tâm sức cho cuộc chiến với quân Tào thì Tôn Quyền đã bất ngờ sai Lã Mông đem quân tới đánh úp Kinh Châu.
Sau khi thất thế trước phe Tôn Quyền, Quan Vũ đã yêu cầu thêm viện binh, tuy nhiên hai tướng Thục Hán trú đóng ở gần ông khi đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong đều án binh bất động.
Cuối cùng tới năm 220, Quan Vân Trường đã thất thế hoàn toàn trước quân Đông Ngô và phải chịu án chém đầu.
Sau cái chết của vị hổ tướng họ Quan, Lưu Bị đã ban án tử cho người con nuôi Lưu Phong vì thấy chết không cứu. Cùng với đó, ông đã tiến hành phát động cuộc chiến chinh phạt Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ.
Chỉ tiếc rằng kết quả của cuộc chiến này lại là thất bại nặng nề của Thục Hán trong trận Di Lăng, Lưu Bị buộc phải lui quân về thành Bạch Đế rồi u sầu qua đời không lâu sau đó.
Nhìn lại những sự kiện kể từ khi Quan Vũ thất thế ở Kinh Châu cho tới sau khi viên hổ tướng này qua đời, đa số các ý kiến đều cho rằng Lưu Bị vô cùng tín nhiệm và coi trọng Quan Vân Trường.
Tuy nhiên cũng có người không khỏi hoài nghi: Liệu rằng nếu không có chỉ thị ngầm từ phía Lưu Bị, những người như Lưu Phong, Mạnh Đạt có dám đứng nhìn Quan Vũ bị dồn vào đường cùng, ngay cả khi họ biết rằng sau đó bản thân sẽ phải chịu hình phạt không nhẹ từ quân chủ?
Cuốn sử liệu ở Tân Cương hé lộ giả thiết về hung thủ thực sự đẩy Quan Vũ vào cửa tử
Tranh minh họa: Nguồn Internet.
Theo Sina, cách đây vài năm, giới khảo cổ nước này đã tìm thấy tại một di chỉ khảo cổ ở Tân Cương cuốn sử liệu có ghi lại sự kiện Quan Vũ binh bại mà chết.
Theo quan điểm của cuốn sách này thì cái chết của Quan Vân Trường năm xưa thực chất là một nước cờ hi sinh trên bàn cờ chính trị của Thục Hán.
Cuốn sách được tìm thấy ở Tân Cương cho rằng, Lưu Phong và Mạnh Đạt khi đó nắm trong tay trọng binh, hoàn toàn có năng lực chi viện cho Quan Vũ nhưng lại quyết định án binh bất động, dẫn tới kết cục vị tướng họ Quan bỏ mạng trong tay Đông Ngô.
Kết cục này xuất phát từ hai nhân vật là Lưu Phong và Lưu Bị.
Theo đó, Lưu Phong bấy giờ vốn là con nuôi của Lưu Bị, luận về tuổi tác lại là người con lớn nhất, vì vậy tất nhiên muốn có được quyền lực
Nếu một ngày thành công kế thừa đại nghiệp hoặc có được vững chắc trong triều đình, một vị tướng có quyền lực và danh tướng như Quan Vũ tất sẽ trở thành chướng ngại vật trên con đường tiến thân của Lưu Phong. Bởi vậy nên nhân vật này đã quyết định thấy chết không cứu, cố tình đẩy Quan Vũ vào cửa tử.
Bên cạnh đó, một nhân vật khác cũng phải chịu trách nhiệm trước sự hi sinh của viên hổ tướng họ Quan chính là Lưu Bị.
Cuốn sử liệu được tìm thấy ở Tân Cương cho rằng, Quan Vũ nắm giữ Kinh Châu nhiều năm, dần trở thành quyền thần trong mắt quân chủ.
Trong quan niệm về cương thường vào thời phong kiến, tình cha con, tình anh em vẫn xếp sau nghĩa vua tôi. Quan Vũ năm xưa có thể được Lưu Bị xem như huynh đệ, nhưng từ sau khi Lưu Bị trở thành Hán Trung Vương, mối quan hệ của họ đã bị nghĩa quân thần chi phối.
Quan Vân Trường cả đời thiện chiến kiêu dũng, văn võ song toàn, có tài năng, thực lực và danh tiếng. Thế nhưng chính điều này đã biến ông trở thành một quyền thần ẩn mình, là mối họa tâm phúc trong mắt giai cấp thống trị.
Vì vậy mà Lưu Bị rất có thể đã một mặt mượn tay Đông Ngô, mặt khác lại mượn tay người con nuôi Lưu Phong để trừ khử vị tướng này.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Bản thân Lưu Bị vốn biết được dã tâm của Lưu Phong nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, để cho người con nuôi này đẩy võ tướng họ Quan vào cửa tử.
Lưu Huyền Đức năm xưa vì ngoài 40 mà không có con cái nên mới nhận Lưu Phong làm con nuôi và cho theo họ mình. Tuy nhiên sau này ông đã có liên tiếp mấy người con ruột thịt, đương nhiên sẽ không muốn truyền lại cơ nghiệp mà cả đời mình vất vả gây dựng cho người ngoài.
Hơn nữa, bản thân Lưu Bị cũng lo ngại Lưu Phong sẽ thâu tóm quyền hành sau khi mình qua đời, vì vậy một mặt mắt nhắm mắt mở cho Lưu Phong bỏ mặc Quan Vũ, sau đó lại lấy đây làm cái cớ để diệt trừ cả con nuôi, từ đó dọn đường lên ngôi cho con trai ruột Lưu Thiện.
Tất nhiên, đây chỉ là quan điểm của tác giả cuốn sách được tìm thấy trong di chỉ tại Tân Cương, còn thực hư cái chết của Quan Vân Trường ra sao thì vẫn là một bí ẩn lịch sử đang chờ người đời sau giải mã.
Một trong những nguyên nhân thực sự khiến Quan Vân Trường chết trong tay Đông Ngô: Xuất phát từ tính cách
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Cũng có ý kiến cho rằng, cái chết của Quan Vũ thực chất phần nào bắt nguồn từ tính cách kiêu ngạo của ông.
Năm xưa khi Tôn Quyền muốn đề nghị liên hôn cho con trai mình và con gái Quan Vũ, ông đã quát vào mặt sứ giả Đông Ngô rằng:
“Con gái ta như loài hổ mà lại thèm gả cho loài chó à!”.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, năm xưa Gia Cát Lượng từng có lần hỏi Quan Vũ:
“Nếu Tào Tháo tới xâm phạm thì làm thế nào?”.
Quan Vũ liền khảng khái trả lời:
“Đánh chết hắn”.
Khổng Minh lại hỏi tiếp:
“Vậy nếu Đông Ngô xuất binh thì làm thế nào?”.
Quan Vũ đáp lời:
“Đương nhiên ta cũng xuất binh đánh chúng”.
Sau đó, Gia Cát Lượng lại hỏi:
“Vậy nếu Tôn Quyền và Tào Tháo cùng xuất binh thì phải làm sao”.
Quan Vũ đáp rằng nên chia binh thành hai đường, cùng một lúc đánh hai kẻ địch.
Nghe tới đây, Gia Cát Lượng lắc đầu cười khổ, nói cho Quan Vũ một đạo lý: Tuyệt đối không nên cùng một lúc đắc tội với hai kẻ thù ở cả hai đầu chiến tuyến, liên Ngô kháng Tào mới là thượng sách.
Quan Vân Trường ngoài mặt không phản đối nhưng cũng chẳng đem lời ấy để trong lòng.
Sau này, ông còn dùng lời lẽ làm nhục Tôn Quyền để khước từ lời cầu hôn từ Đông Ngô, chính thức kết thù với thế lực này, để rồi cuối cùng tránh không khỏi kết cục đầu rơi máu chảy trong tay kẻ địch.
Có ý kiến cho rằng, nếu như năm xưa Quan Vân Trường không qua đời tức tưởi như vậy, Trương Phi và Hoàng Trung cũng sẽ không chết, Lưu Bị càng không dẫn quân đi đánh Đông Ngô để rồi đại bại.
Vì vậy có thể nói, cái chết của Quan Vũ đã đem tới những tổn thất không thể vãn hồi đối với cơ nghiệp của Lưu Bị, thậm chí còn khiến Thục Hán từ một thế lực đang ngày càng hùng mạnh cuối cùng lại bị đẩy về thế yếu trong cục diện chân vạc thời bấy giờ.
*Theo quan điểm của Sina
Nguồn: Gamek.vn