Ngôi làng nhỏ Nagoro, sâu trong những ngọn núi phía tây Nhật Bản, chỉ có gió thổi qua những con đường không một bóng người.
Nhưng đường phố vẫn có vẻ đông đúc nhờ những hình nộm có kích thước bằng người thật, với số lượng đông gấp 10 lần dân cư ở đây. Tất cả đều được tạo ra bởi một người phụ nữ, với hy vọng xua đi phần nào nỗi cô đơn và trống trải ở Nagoro, cũng như nhiều ngôi làng Nhật Bản khác hiện chung tình trạng giảm dân số.
Nagoro, cách Tokyo khoảng 550 km về phía tây nam, được biết đến như “thung lũng búp bê” sau khi Tsukimi Ayano, một người dân địa phương, sắp xếp các hình nhân trên đường phố để mang lại sức sống cho ngôi làng hẻo lánh của bà.
“Chỉ có 27 người sống ở ngôi làng này nhưng số lượng hình nhân phải gấp tới 10 lần, khoảng 270”, nghệ nhân làm búp bê 69 tuổi nói.
Mọi chuyện bắt đầu từ 16 năm trước khi bà Ayano làm một hình nộm với trang phục của cha để ngăn chim ăn hạt giống bà đã trồng trong vườn.
“Một công nhân nhìn thấy nó trong vườn và tưởng là cha tôi thật… ông ấy nói xin chào, nhưng đó chỉ là một hình nộm. Thật sự rất thú vị”, Ayano kể lại.
Từ đó, bà Ayano không ngừng tạo thêm các hình nộm cỡ người thật, với thân được làm từ gỗ và giấy báo, da bằng vải và tóc bằng len.
Người phụ nữ khéo tay chỉ cần 3 ngày để hoàn thành một hình nhân, đang được đặt khắp nơi quanh ngôi làng.
Bí quyết nào giúp thổi hồn vào hình nhân? Dùng cọ trang điểm tô chút màu hồng lên môi và má, bà Ayano bật mí.
Tại một trường học địa phương, bà đã đặt 12 hình nhân có kích cỡ trẻ em tại các bàn học, khiến lớp học trở nên sống động với các học sinh đang chăm chú học bài.
Ngôi trường đã đóng cửa từ 7 năm trước do không còn học sinh nào để dạy nữa, bà Ayano buồn rầu nhớ lại. “Giờ đây nơi này không còn trẻ em nữa. Người trẻ nhất đã 55 tuổi rồi”.
Dưới phố, một “gia đình” hình nhân đang tham quan một của hiệu bỏ hoang trong khi một hình nhân khác trông như người nông dân già đang ngắm đồ trong cửa hiệu bên cạnh.
Cạnh bến xe bus, một nhóm hình nhân đang đứng tập trung trong khi một hình nhân “cha” đang đẩy chiếc xe chứa “các con”.
‘Giờ đây thật sự cô đơn’
Dù không thật sự cởi mở, Ayano vẫn nhớ khi bà còn là một đứa trẻ, Nagoro từng là một thị trấn tấp nập với khoảng 300 người dân và người lao động trong ngành xây dựng đập và lâm nghiệp.
“Người dân cứ rời đi dần…Giờ đây thật sự rất cô đơn”, bà nói. “Tôi làm nhiều hình nhân vì vẫn nhớ về thời ngôi làng còn tràn đầy sức sống”.
Tình trạng ở Nagoro xảy ra ở khắp Nhật Bản, khi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang đối phó với vấn đề dân số giảm, tỉ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao.
Nhật Bản sắp trở thành đất nước có dân số “siêu già” đầu tiên trên thế giới, đồng nghĩa với việc có 28% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Báo cáo mới nhất của chính phủ cho thấy 27,7% trong tổng số 127 triệu dân – hay 1 trên 4 người – đang ở độ tuổi 65 hoặc cao hơn. Con số này được dự báo sẽ tăng tới 37,7% vào năm 2050. Theo các chuyên gia, 40% trong tổng số 1.700 đô thị tại Nhật Bản hiện trong tình trạng dân số giảm.
‘Cực kỳ khó khăn’
Sau Chiến tranh Thế giới II, khi lâm nghiệp và nông nghiệp trở thành động lực chính của nền kinh tế, phần lớn người Nhật tập trung tại các ngôi làng nông thôn như Nagoro. Những người trẻ tuổi bắt đầu đổ về Tokyo từ những năm 1960, Takumi Fujinami, nhà kinh tế tại Japan Research Institute cho biết.
“Nền kinh tế đang bùng nổ ở Tokyo và các khu công nghiệp tại thời điểm đó. Đó là nơi duy nhất người dân có thể kiếm được tiền, vì vậy rất nhiều người trẻ tuổi đổ về đây”, ông nói.
Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ hồi sinh những khu vực bên ngoài Tokyo bằng cách trợ cấp hàng chục tỷ yên, nhưng vẫn chưa đủ để ngăn giới trẻ rời quê hương lên Tokyo làm việc, Fujinami nói.
“Để đối phó với giảm dân số, chúng ta cần dòng người đổ về khu vực ít dân cư. Phục hồi dân số là điều cực kỳ khó khăn”, ông nói.
“Thay vào đó, cần phải tăng mức thu nhập hay điều kiện làm việc cho giới trẻ tại khu vực nông thôn”. Chẳng hạn, các công ty ở vùng quê thường có ít ngày nghỉ lễ hơn Tokyo.
“Chúng ta cần xây dựng các cộng đồng nơi thanh niên có thể lập nghiệp lâu dài”, Fujinami cho biết thêm. Việc trợ cấp để người dân chuyển đến là chưa đủ.
Trong khi chưa có dấu hiệu gì cho thấy người dân đang trở lại Nagoro, những hình nhân của Ayano đã thu hút những con người bằng xương bằng thịt từ các nước xa xôi như Mỹ và Pháp.
“Trước khi tôi bắt đầu làm hình nộm, chẳng có ai ghé qua. Giờ đây khách đến thăm rất nhiều”, bà nói. “Tôi hy vọng sức sống sẽ trở lại với Nagoro một lần nữa và sẽ có nhiều du khách đến đây tham quan hơn”.
“Tôi không biết Nagoro sẽ ra sao trong 10 đến 20 năm tới… nhưng tôi sẽ tiếp tục làm hình nhân”.