Nanami Kodaira đã phải “treo kéo” kể từ khi cửa hiệu làm tóc nơi cô làm việc ở thủ đô Tokyo cắt giảm giờ làm từ tháng 4 để tránh lây lan dịch COVID-19.
Người lao động Nhật Bản thường có xu hướng gắn bó và cống hiến cho một công ty trong nhiều năm. Ảnh: Anadolu
Cô Kodaira chia sẻ: “Tôi không đổ trách nhiệm cho ông chủ của mình. Tôi không phải là trường hợp duy nhất”.
Nhưng Kodaira không nằm trong nhóm 1,9 triệu lao động mất việc tại Nhật Bản trong tháng 5. Nhóm này chiếm 2,9% lực lượng lao động ở Nhật Bản. Thay vào đó, Kodaira là một trong 4,2 triệu người vẫn được trả một phần lương, trong trường hợp của cô là 75%, cho khoảng thời gian không làm việc.
Nhà kinh tế học Takuya Hoshino tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life cho biết Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp 10.2% trong tháng 5 nếu nhóm này được tính.
Những lao động như Nanami Kodaira cho thấy Nhật Bản tránh được tình trạng thất nghiệp quy mô lớn như Mỹ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học đánh giá điều này vẫn gây rủi ro đối với Nhật Bản, vốn có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Kênh CNN cho biết điều này bắt nguồn từ thói quen tại Nhật Bản giữ người lao động qua thời kỳ khó khăn kinh tế. Tình trạng này có thể giảm mức linh hoạt của các công ty và nhân viên của họ. Có tới 1/5 người lao động tại Nhật Bản làm việc ở một công ty duy nhất trong hơn 20 năm. Con số này gấp đôi so với Mỹ.
Theo một cuộc khảo sát do Nikkei thực hiện với 16 nhà kinh tế học, GDP của Nhật Bản dự kiến giảm 21,7% trong quý II năm nay.
Các nhà phân tích nói rằng về dài hạn, các công ty Nhật Bản có thể mất tính linh hoạt và năng lực sản xuất khi muốn giữ lao động làm việc. Nhưng các công ty tại Nhật Bản trong nhiều năm vẫn thay đổi rất chậm.
Rào cản pháp lý khiến các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong cắt giảm việc làm so với những nước phương Tây khác. Đạo luật Hợp đồng Lao động có nội dung nhấn mạnh rằng việc sa thải sẽ không có hiệu lực nếu “không được coi là thích hợp về điều khoản xã hội chung”.
Các công ty tại Nhật Bản cũng chủ trương giữ lại việc làm cho người lao động. Ảnh: BBC
Người lao động Nhật Bản hiếm khi bị sa thải, trong khi các công ty ưu tiên đàm phán gói nghỉ hưu tình nguyện vốn thường bao gồm bồi thường mất việc hào phóng. Tuy nhiên, lòng trung thành với công việc của Nhật Bản rất mạnh mẽ và gây ảnh hưởng tới năng lực tuyển dụng lao động tài năng mới cho công ty.
Một ví dụ là trong thời điểm dịch COVID-19 lây lan đỉnh điểm, CEO của Toyota là Akio Toyoda cam kết bảo vệ việc làm của người lao động với bài học lịch sử: Toyota đã sản xuất nồi, chảo và trồng khoai tây sau Chiến tranh Thế giới thứ hai bởi quyết tâm giữ việc làm cho người lao động.
Thái độ này khiến nhiều công ty Nhật Bản phải đề nghị nhân viên ở nhà và trả lương một phần thay vì sa thải họ. Theo luật, những lao động này phải được trả ít nhất 60% lương trong thời gian nghỉ theo yêu cầu của công ty.
Ông Hoshino đánh giá: “Tại Mỹ, các cá nhân nhận trợ cấp thất nghiệp trực tiếp từ chính phủ. Ở Nhật Bản, chính phủ lại đề nghị các công ty không sa thải nhân viên và đổi lại sẽ hỗ trợ về lương. Đây là cách tiếp cận khá khác biệt về văn hóa”.
Một số nhà kinh tế học dự đoán rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản có thể vượt 4% vào cuối năm nay, đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2013.