Trở lại làm việc sau kỳ nghỉ, một nhân viên nữ bị nhắc nhở: Bạn đi trễ 10 giây. Đúng giờ từ lâu đã là nỗi ám ảnh của người Nhật Bản.
Tháng trước, Nhật Bản từng rúng động bởi vụ bê bối của ông Yoshitaka Sakurada, Bộ trưởng Nhà nước cho Thế vận hội Olympic, đã cả gan đến trễ ba phút trong cuộc họp Quốc hội.
Phe đối lập đã tổ chức một cuộc biểu tình kéo dài năm giờ để đáp trả sự chậm trễ của Sakurada, trong khi đó thì công chúng liên tục tỏ thái độ phẫn nộ. Mấy ngày sau, ông buộc phải xin lỗi công khai.
Xin lỗi vì tàu rời ga sớm 25 giây
Việc đến trễ không chỉ nghiêm trọng đối với các nhân vật cấp cao. Đối với các nhà kinh doanh và các tổ chức, đến đúng giờ là điều quan trọng nhất ở Nhật Bản.
Năm 2018, một chuyến tàu của JR-West đã rời ga sớm 25 giây đã gặp phải nhiều chỉ trích công khai và công ty buộc phải đưa ra lời xin lỗi. Vụ việc đã được đưa tin rộng rãi ở Nhật Bản và được coi là một sai lầm lớn của Công ty Đường sắt JR-West.
Công ty thừa nhận: “Sự bất tiện rất lớn mà chúng tôi gây ra đối với khách hàng là không thể tha thứ được”.
Ngay từ nhỏ, người Nhật được dạy cần phải đúng giờ. “Cha mẹ tôi luôn nói với tôi rằng điều quan trọng là đừng đến muộn, hãy nghĩ về những người vì tôi mà gặp phải bất tiện nếu tôi đến trễ, thậm chí chỉ là một chút so với lịch trình. Tôi nghĩ điều này đã khắc sâu vào tâm trí chúng tôi”, Issei Izawa (19 tuổi) chia sẻ.
Kanako Hosomura, một bà nội trợ 35 tuổi sống ở quận Saitama, cho biết cô ghét bị trễ – ngay cả khi chỉ trong một phút.
“Tôi rất thích đến sớm so với giờ hẹn vì thà tôi đợi còn hơn là bắt ai đó đợi tôi”, cô cho biết.
Hosomura sẽ không kết bạn với người đến muộn và gây bất tiện cho người khác.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự nhấn mạnh văn hóa về sự đúng giờ có thể gây ra căng thẳng.
“Bạn gái của tôi làm việc tại tổng đài của Công ty Đường sắt JR. Tuần trước, cô ấy đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ và người giám sát đã nói rằng ‘Bạn trễ 10 giây’, một người đàn ông giấu tên chia. Anh khẳng định: “Điều này thật là cực đoan”.
Người Nhật từng nhàn rỗi một cách đáng kinh ngạc
Nỗi ám ảnh của người Nhật Bản về việc đến đúng giờ thường được du khách nhắc đến như một điều để giải trí. Điều này thường được gán vào một trong những điều kỳ quặc nhất của các quốc gia. Trong thực tế, sự chậm trễ trong công việc gây ảnh hưởng thực sự đến nền kinh tế.
Tại Anh, những người lao động bê trễ gây tiêu tốn cho nền kinh tế lên tới 9 tỷ bảng Anh, theo báo cáo năm 2017 của Heathrow Express. Hơn một nửa số người được khảo sát trong báo cáo cho biết họ thường xuyên đến muộn khi đi làm và đi họp.
Ở Mỹ, đến trễ cũng là một vấn đề lớn. Ở bang New York, những người lao động chậm trễ đã tiêu tốn của khu vực 700 triệu đô la Mỹ mỗi năm; tại California, những người lao động đến muộn đã tiêu tốn của nhà nước hơn 1 tỷ USD hàng năm, theo báo cáo năm 2018 của tạp chí Inc.
Nhưng Nhật Bản không phải lúc nào cũng cứng nhắc trong việc thời gian. Cho đến cuối những năm 1800, Nhật Bản tiền công nghiệp đã có thái độ thoải mái hơn nhiều. Willem Huyssen van Kattendijke, một sĩ quan hải quân Hà Lan đến nước này vào những năm 1850, đã viết trong nhật ký của mình rằng người dân địa phương không bao giờ đúng giờ. Theo ông, sự nhàn rỗi của người Nhật khá đáng kinh ngạc. Vào thời điểm đó, các chuyến tàu thường chạy chậm hơn 20 phút so với lịch trình.
Theo một bài báo năm 2008 trên tạp chí Khoa học, Công nghệ và Xã hội Đông Á được xuất bản bởi Đại học Duke, trong thời kỳ phục hưng Meiji (1868-1912), trong thời gian Hoàng đế Meiji bãi bỏ chế độ phong kiến và thực hiện các cải cách quân sự và công nghiệp hóa quan trọng, sự đúng giờ đã trở thành một chuẩn mực văn hóa.
Đặc điểm này được coi là nguyên lý chính cho sự tiến bộ của đất nước từ một nền kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang một xã hội hiện đại và công nghiệp hóa.
Trường học, nhà máy và đường sắt – những nơi cần đúng giờ cũng là những tổ chức chính dẫn đầu sự thay đổi này trong xã hội. Các nhà máy đã áp dụng nguyên lý quản trị khoa học của Taylor, một hệ thống quản lý nhà máy giúp tăng hiệu quả kinh tế và năng suất lao động bằng cách tạo ra dây chuyền lắp ráp và băng tải. Trong khoảng thời gian này, đồng hồ đã trở thành mặt hàng phổ biến và khái niệm một ngày gồm 24 giờ trở nên quen thuộc với những người dân.
Trên hết, theo nhà nghiên cứu thời gian Ichiro Oda, đây là lúc người Nhật nhận ra thời gian của người Nhật chính là tiền bạc. Đến thập niên 1920, sự đúng giờ được ghi nhận trong các sản phẩm tuyên truyền của đất nước. Các poster hướng dẫn cách sống được hiển thị nổi bật với các hướng dẫn dành cho phụ nữ để tạo kiểu tóc trong 5 phút nhằm khắc phục nhanh chóng và tiết kiệm 55 phút cho các dịp trang trọng.
Kể từ đó, sự đúng giờ đã trở thành hằng số tỉ lệ thuận với năng suất trong các công ty và tổ chức. Makoto Watanabe, phó giáo sư truyền thông và đa phương tiện tại Đại học Hokkaido Bunkyo, cho biết: “Nếu công nhân đến muộn, công ty và nhóm sẽ phải chịu tổn thất. Ở góc độ cá nhân, nếu tôi không đúng giờ, tôi không thể hoàn thành mọi việc cần làm”.
Mieko Nakabayashi, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda và là một nhà lập pháp trước đây của Đảng Dân chủ Nhật Bản, cho rằng điều quan trọng đối với các nhân viên công ty là phải tuân thủ kỷ luật và đúng giờ. Cô nói thêm: “Nếu bạn không thể làm điều đó thì bạn sẽ nhanh chóng bị mang tiếng xấu trong công ty”.
Tuy nhiên, như cô giải thích, việc đúng giờ không phải lúc nào cũng có hiệu quả như nhau.
Đúng giờ không bù đắp được việc kém hiệu quả
Năm 1990, bi kịch xảy ra ở quận Hyogo khi một học sinh 15 tuổi bị chấn thương đến tử vong do cố chen qua cổng trường cấp ba của mình khi cổng bắt đầu đóng vào lúc 8h30. Giáo viên nhấn nút đóng cổng đã bị sa thải và vụ việc đã gây ra nhiều cuộc tranh luận công khai vào thời điểm đó.
“Nhìn lại vụ việc, việc đóng cổng đúng giờ là điều rất phổ biến. Hình thức trừng phạt những học sinh đến trễ bằng cách bắt chúng chạy một hoặc hai vòng trường cũng phổ biến”, Yukio Kodata, 33 tuổi, một người đàn ông Canada gốc Nhật sống và làm việc tại Nhật Bản, cho biết.
Tại đây, những lần đến muốn được ghi trong bảng điểm học sinh có thể ảnh hưởng đến cơ hội vào đại học của họ.
Sự đúng giờ cũng không bù đắp cho mức độ kém hiệu quả trong các công ty và tổ chức của Nhật Bản. Mieko từ Đại học Waseda, nhận xét rằng: “Các cuộc họp diễn ra quá lâu, hầu hết mọi người không thực sự đóng góp bất cứ điều gì có thể sử dụng. Đó chỉ là buổi nhắc lại các nhiệm vụ. Có mặt tại bàn làm việc của bạn lúc 9h sáng chẳng tạo ra điểm khác biệt thật sự nào cho bức tranh kinh doanh của công ty”.
Theo cô, hầu hết công ty đều yêu cầu nhân viên làm việc hơn 80 giờ mỗi tháng mà không được trả lương ngoài giờ.
Hơn nữa, nhấn mạnh vào việc đúng giờ và thiếu ranh giới cho công việc tăng ca ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Kodata, người Canada gốc Nhật cho biết: “Ở Nhật Bản mọi người có tâm lý rằng nếu mọi người khác đang làm điều đó, họ cũng phải làm việc tương tự. Về cơ bản, bạn đang bị đưa vào thế không thể làm gì khác”.
Anh chia sẻ thêm: “Rất nhiều bạn bè của tôi đến Canada từ Nhật Bản, họ không bao giờ muốn quay lại. Họ thích Nhật Bản về giải trí và ẩm thực nhưng họ sẽ không muốn quay lại và làm việc ở đó”.
Kodata so sánh: “Thật buồn cười vì ở đây, tại Canada, nếu bạn tan làm vào lúc 5 giờ chiều – mọi người sẽ chào bạn bằng câu ‘hòa bình, hẹn gặp lại sau’. Nhưng ở Nhật Bản thì không”.