Theo số lượng từ VinSmart công bố, mẫu smartphone mới nhất từ hãng này là Joy 3 đã có một khởi đầu không thể tuyệt vời hơn: trong vòng chưa đến một ngày (14 giờ) đã có tới 12000 chiếc Joy 3 đến tay người dùng. Trung bình, cứ mỗi giờ, trên cả nước lại có 900 người mua chiếc Vsmart mới, “nóng” tới độ chuỗi bán lẻ lớn nhất cả nước là Thế Giới Di động cũng “cháy” hàng.
Không khó để nhận ra lý do vì sao Vsmart Joy 3 lại bán chạy tới vậy. Ở mức giá niêm yết gần 2,7 triệu đồng, Joy 3 sử dụng chip tầm trung đến từ Qualcomm là Snapdragon 632. Ngay cả “vua phá giá” từ Trung Quốc là Xiaomi Redmi và Realme cũng chỉ mang chip tầm thấp lên các sản phẩm cùng khung giá (Redmi 8A dùng Snapdragon 439, Realme C2 dùng Helio P22). Đại diện từ Việt Nam cũng vượt trội về số lượng camera hay dung lượng pin so với các đối thủ cùng tầm giá.
Không có lý do gì để mua smartphone Trung Quốc khi smartphone Việt “phá giá” như thế này.
Joy 3 không phải là mẫu Vsmart đầu tiên “cháy” hàng. Từ năm ngoái, danh hiệu này đã được Live chiếm giữ, sau khi Vsmart đột ngột giảm gần một nửa giá của chiếc smartphone này. Cơn sốt đầu tiên dành cho smartphone Việt đã diễn ra, và lý do vẫn rất quen thuộc: VinSmart đã phá giá cấu hình với phiên bản Live 4GB chỉ từ 3,5 triệu và phiên bản 6GB RAM chỉ từ 3,8 triệu. Cũng tương tự như Vsmart Joy 3 sau này, Vsmart Live sử dụng con chip ngang hàng với smartphone tầm trung từ Trung Quốc.
Có thể nói, sau nhiều tháng trời không đạt được thành công đáng kể với các sản phẩm cũ, Live chính là hồi chuông giúp cho VinSmart bừng tỉnh. Kể từ sau thành công của dòng điện thoại này, các mẫu Vsmart tiếp theo ra mắt đều nhắm vào khung giá entry-level, tức là khung giá thấp nhất của thị trường. Chiếc Active 3 có cấu hình cao và camera “thò thụt” cũng không vượt quá 200 USD cho mẫu 6GB; các sản phẩm khác đều khởi điểm ở mức dưới 3 triệu đồng.
Chưa kể, mức giá nói trên mới là giá niêm yết. Khi đến tay các nhà bán lẻ, Vsmart chắc chắn sẽ được giảm thêm vài trăm nghìn đồng.
Joy 3 có thể giúp Vsmart chiếm đến 10% thị phần trong nước vào tháng qua
Khi danh mục smartphone Việt đã chạm đến mức giá siêu thấp như hiện tại, người tiêu dùng Việt sẽ bớt đi rất nhiều lý do để tìm đến smartphone Trung Quốc. Từ trước tới nay, nhắc đến các thương hiệu Trung Quốc luôn là nhắc đến chiến lược giá siêu rẻ, đánh đổi giá bán (và đôi khi là chất lượng) để đổi lấy thị phần. Đến hôm nay, Vsmart đã thay thế vai trò của những Xiaomi, Realme hay Honor, thậm chí là phá giá cấu hình đối với chính smartphone Trung Quốc. Nếu Joy 3 chỉ mang cấu hình ngang tầm Redmi hay Realme cùng tầm, chắc chắn người Việt đã không đổ xô đi mua.
Quan trọng nhất, khi nhìn về tương lai ai cũng có thể thấy VinSmart đang rất sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi. Báo cáo tài chính 2019 cho thấy các mảng ngoài công nghiệp (VinFast và VinSmart) có lợi nhuận gộp khoảng 39,9 nghìn tỷ VNĐ trong khi lợi nhuận gộp của cả VinGroup là 37,7 nghìn tỷ VNĐ. Như vậy, có thể thấy rằng ngay cả trong một năm đầu tư mạnh tay để gây dựng mảng công nghiệp, VinGroup mới đang phải hy sinh khoảng 6% lợi nhuận gộp. VinSmart có lẽ chỉ chiếm phần nhỏ trong số này, và sau khi nhà máy công suất 125 triệu máy hoàn thiện vào đầu năm nay, chi phí hoạt động của thương hiệu điện thoại này sẽ còn tiếp tục suy giảm.
Nói cách khác, Vsmart vẫn còn đầy đủ tiềm lực để chạy đua giá cả với smartphone Trung Quốc trong một thời gian dài. Mới đây, một đối tác khá thân cận của Vsmart là Viettel đã công bố sẽ “phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam phân phối loạt smartphone 4G có giá dưới 1,5 triệu đồng một máy” nhằm nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong mảng viễn thông năm 2020.
Không có một “nhà cung cấp Việt Nam” nào khác bán smartphone gần với mức 1,5 triệu đồng ngoài VinSmart cả – liệu có phải Vsmart và Viettel sẽ cùng nhau đánh bật smartphone Trung Quốc ra khỏi Việt Nam? Hãy cùng chờ màn kịch hay sắp tới.
Nguồn: Gamek.vn