Những ngày này mạng xã hội Nhật Bản tràn ngập những hình ảnh của yōkai, tiên cá mỏ vịt có siêu năng lực đẩy lùi đại dịch Covid-19.
Khi virus lây lan khắp thế giới, người dân đang cùng nhau thắp lên những tia hy vọng với màn hòa ca trong các thị trấn phong tỏa ở Italy hay phong trào vẽ cầu vồng lên cửa sổ #chasetherainbow tại Anh… Còn tại Nhật Bản, một đất nước chưa thực hiện cách ly xã hội hay thông báo lệnh phong tỏa chính thức nào, hy vọng đến từ yōkai – vô số yêu quái người dân tin vào qua hàng thế kỷ. Nó xuất hiện trong mọi thứ từ bản in khắc gỗ thời Edo (1603 – 1868), cho đến truyện tranh manga hiện đại.
Hiện Twitter tại Nhật Bản đang tràn ngập hình ảnh về một yêu quái Amabie (đọc là a-ma-bee-ay), một sinh vật có vảy như tiên cá, tóc dài, mỏ vịt và ba chân có màng.
Theo truyền thuyết, nguồn gốc của Amabie bắt đầu từ một ngày giữa tháng 5 năm 1846. Khi cư dân của một thị trấn cổ trên hòn đảo Kyushu báo cáo về những tia sáng hắt lên từ đáy biển ngoài khơi tỉnh Higo – nay là vùng Kumamoto, quan trưởng của thị trấn phải đích thân xuống điều tra.
Ông bắt gặp một sinh vật kỳ lạ như tiên cá hiện ra, và nói: “Ta là Amabie sống dưới đại dương. Trong vòng sáu năm sau, mùa màng sẽ bội thu trên khắp cả nước, nhưng những đại dịch cũng xảy ra liên miên. Hãy cho dân chúng thấy ảnh của ta càng sớm càng tốt”. Đến đây, Amabie liền biến mất.
Theo truyền thuyết dân gian Nhật Bản, Amabie có khả năng dự báo mùa màng và bảo vệ người dân khỏi bệnh tật. Ảnh: Đại học Kyoto.
Câu chuyện nhanh chóng lưu hành trên các mặt báo, cũng như tin đồn có người nhìn thấy một sinh vật tương tự trên đất liền nhưng là phiên bản giống vượn vào năm 1876. Những bản mô tả đáng chú ý là tác phẩm truyện tranh đầy ma cà rồng GeGeGe no Kitaro (1960 – 1969) của Shigeru Mizuki.
Tác giả Mizuki qua đời năm 2015, song hãng in truyện bất ngờ đăng tải bức vẽ Amabie của ông lên Twitter vào ngày 17/3, kèm lời bình: “Hy vọng đại dịch thời hiện đại sớm chấm dứt”.
Bài đăng nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội với những hashtag như #amabiechallenge và #amabieforeveryone. Trong khi vô số tài khoản chia sẻ những bức tranh và hình vẽ Amabie, gồm cả tác giả manga Mari Okazaki, nhiều người còn sáng tạo hơn khi thêu thùa, trang trí tô mì udon hay bày hộp cơm trưa bento lấy cảm hứng từ yêu quái thời xa xưa.
Trong những ngày tự cách ly ở nhà vì có triệu chứng giống cúm, hoạ sĩ Kaori đã vẽ hình ảnh Amabie đeo khẩu trang. Ảnh: Kaori Hamura Long.
Một số thậm chí còn hóa trang cho chính mình và thú cưng thành Amabie, chụp ảnh và lan truyền thông điệp hy vọng. Ngay cả Bộ Y tế, Bộ Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản cũng in hình Amabie trên tờ rơi, khuyến cáo người dân “ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.
Amabie đã trở thành một nguồn lực thống nhất giúp người Nhật Bản tìm về những câu chuyện quá khứ mơ hồ của dân tộc, để an ủi vào những thời điểm bất ổn thời hiện đại.
“Người Nhật có truyền thống cố gắng xua đuổi dịch bệnh bằng cách vẽ những con yêu quái oni lên các mẩu giấy, và trưng bày chúng. Khi nhiều người phải chịu đựng nỗi thống khổ và chết dần chết mòn, điều ước về ngày kết thúc đại dịch là như nhau với mọi lứa tuổi”, giáo sư Yuji Yamada tại Đại học Mie, nhận định.
Hiện bảo tàng Mizuki Shigeru Kinenkan, tại thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori, miền tây Nhật Bản – quê hương của cố nghệ sĩ – liên tục nhận câu hỏi về Amabie. Mặc dù một bảng thông tin về Amabie đã được trưng bày trước đó, trong phòng trưng bày về yōkai truyền thống, tấm biển này đã chuyển đến gần lối vào để thu hút khách tham quan.
Thông tin về Amabie được trưng bày gần lối vào bảo tàng Mizuki Shigeru Kinenkan, thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori, Nhật Bản vào ngày 19/3. Ảnh: Haruno Kosaka/Mainichi.
Một sinh viên đại học năm thứ ba, 21 tuổi, đến bảo tàng từ thành phố Kurashiki, tỏ ra quan ngại về tác động của nCoV. “Tôi lo lắng nó sẽ có ảnh hưởng đến quá trình tìm việc của tôi. Tôi muốn Amabie phát huy năng lực siêu nhiên của mình”, cô bày tỏ.
Yukio Shoji, giám đốc bảo tàng, nói: “Thật ngạc nhiên khi chúng tôi không chỉ nhận phản hồi từ những người trẻ tuổi, mà cả người già cũng quan tâm. Có lẽ tấm biển cần một vẻ ngoài sáng bóng, lấp lánh để gây ấn tượng mạnh hơn”.
Theo Guardian, Mainichi