Sword Art Online: Alicization Lycoris là JRPG được chuyển thể nội dung từ mùa thứ ba của series anime Sword Art Online: Alicization. Đây cũng là tựa game đầu tiên trong series Sword Art Online được phát hành cho nền tảng Xbox One.
Sword Art Online có lẽ không xa lạ gì với giới otaku. Khởi đầu chỉ là truyện chữ rồi lần lượt được chuyển thể thành nhiều loại hình khác nhau. Từ manga, anime cho đến trò chơi điện tử và thậm chí cả một series phim người đóng cũng đang được “thai nghén” vài năm nay. Đáng chú ý, trong khi các phần chơi cũ như Sword Art Online: Hollow Realization đều chọn hướng “tự biên tự diễn” nội dung, Alicization Lycoris lại là phần chơi đầu tiên trong series game này bám sát cốt truyện từ bộ anime cùng tên.
Có lẽ vì vậy mà phần chơi này có nhiều thay đổi trong cơ chế gameplay để phù hợp với nội dung anime. Thay vì đưa người chơi khám phá các hang động, với những trận đánh quái quen thuộc mô phỏng lại trải nghiệm VRMMORPG như trước đây, tựa game này “quay ngoắt 180 độ” sang bám sát nội dung anime và tập trung nhiều vào câu chuyện kể. Thay đổi này thoạt nghe tưởng nhỏ nhưng kỳ thực, nó tạo sự khác biệt rất lớn trong cách mà bạn trải nghiệm Sword Art Online: Alicization Lycoris so với những phần chơi trước đó.
Nhân vật điều khiển của người chơi vẫn là Kirito. Tuy nhiên, có lẽ do theo sát nội dung chuyển thể từ anime nên bạn không còn được tùy biến giới tính nhân vật như trước đây nữa. Trải nghiệm game mở đầu với cuộc chiến bất phân thắng bại giữa Kirito và nhân vật Administrator. Sau đó, nhân vật chính tỉnh dậy trong khu rừng lạ lẫm, không thể truy cập menu hay đăng xuất khỏi thế giới ảo. Vậy là cuộc phiêu lưu trong thế giới ảo mới bắt đầu và nhân vật đầu tiên mà bạn gặp gỡ chính là Eugeo.
Thế nhưng, tâm điểm của câu chuyện kể lại là nhân vật nữ Medina Orthinanos. Bạn đừng ngạc nhiên nếu cái tên này có vẻ xa lạ. Dù cô gái tóc đỏ này từng xuất hiện thoáng qua trong chapter 1 của manga, nhưng đây là nhân vật được xây dựng riêng cho trải nghiệm Sword Art Online: Alicization Lycoris. Với tính cách lạnh lùng, số phận nghiệt ngã và câu chuyện kể vô cùng tăm tối, cô gái bí ẩn này chắc chắn gây tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người chơi khi mọi chuyện bắt đầu kịch tính.
Sở dĩ tôi dùng những từ ngữ như trên là vì Sword Art Online: Alicization Lycoris có nhịp độ khá bất thường trong trải nghiệm, nhất là trong chapter đầu tiên và không chỉ dừng ở đó. Một trong những vấn đề khó chịu nhất là trải nghiệm game thường xuyên bị cắt vụn ra thành những thời lượng chơi rất ngắn, xen kẽ với đó là thời gian chờ tải dữ liệu sương sương khoảng nửa phút nhưng cũng có lúc ngắn hơn và lời thoại dông dài. Vấn đề này diễn ra thường xuyên đến mức trở thành nỗi ức chế ngay cả với người kiên nhẫn như tôi.
Không hiếm trường hợp người chơi chỉ điều khiển nhân vật di chuyển khoảng chục giây đến vị trí trả nhiệm vụ chính, chờ tải dữ liệu, nghe các nhân vật trò chuyện không đến một phút rồi lại chờ tải dữ liệu và cứ thế. Ngay cả tốc độ khung hình cũng không ổn định dù không quá tệ, nhất là trong một số góc nhìn camera nhất định giữa các khung cảnh khám phá rộng lớn và làm nhiệm vụ. Sword Art Online: Alicization Lycoris từng phải hoãn lịch phát hành hai tháng, nên tôi nghĩ khả năng cao là nhà phát triển không đủ thời gian tối ưu hóa.
Điều dễ nhận thấy là trải nghiệm trên PS4 Pro tạo cho tôi cảm giác như phiên bản này được chuyển nền trực tiếp từ PC hơn là được tối ưu hóa riêng cho nền tảng console với điều khiển bằng tay cầm. Phần thiết lập trong menu cho phép bạn sử dụng cần analog trái để di chuyển con trỏ đến các chỉ mục, tương tự như cách di chuột trên PC. Tuy một số mục chọn trong đó vẫn cho phép sử dụng các nút bấm trên tay cầm DualShock 4, nhưng hay bị tình trạng đáp ứng trễ so với thao tác bấm nút tương tác của người chơi.
Điều tương tự cũng xảy ra khi chiến đấu, nhưng xem ra đây là tính năng của trò chơi hơn. Về cơ bản, hệ thống chiến đấu được đại tu và có sự thay đổi, chuyển hướng thiên về chất hành động so với các phần chơi “ngoại truyện” như Sword Art Online: Hollow Realization chẳng hạn. Trong Alicization Lycoris, người chơi chiến đấu bằng cách kết hợp tuyệt kỹ và đòn tấn công liên hoàn để giành chiến thắng. Mỗi nhân vật đều có cây kỹ năng, lớp vũ khí, trang bị và các loại kỹ năng đa dạng khác nhau.
Vấn đề lớn nhất của hệ thống chiến đấu là nó phụ thuộc vào số khung hình (frame) cho từng hoạt cảnh tấn công của nhân vật. Nó đồng nghĩa nếu một hành động nào đó chưa hiển thị hết tất cả khung hình hoạt cảnh, người chơi không thể thay đổi sang hành động mới như dùng tuyệt kỹ khác hay sử dụng vật phẩm. Nó khiến trải nghiệm chiến đấu thường hay có độ trễ nhất định mà bạn phải tính toán kỹ trước khi thực thi, tránh trường hợp vừa hết khung hình hoạt cảnh thì đúng lúc kẻ thù tung đòn tất sát là “toang”.
Điều này tuy không phải vấn đề lớn trong chapter đầu mang tính hướng dẫn, nhưng một khi trải nghiệm bắt đầu nghiêm túc với câu chuyện kể, bạn sẽ thấy nó quan trọng như thế nào trong chiến đấu. Đáng chú ý, hệ thống chiến đấu ngoài “đánh hội đồng” như các phần chơi trước đây thì nay có thêm đấu tay đôi. Những trận đấu này khá hấp dẫn vì đòi hỏi người chơi phải vận dụng kỹ năng đỡ và phản đòn một cách hoàn hảo để giành chiến thắng, không thể đánh loạn xạ như khi “hội đồng” mà thắng được.
Ngược lại, “đánh hội đồng” đòi hỏi người chơi biết dồn combo để tạo tình huống “hợp đồng tác chiến” cho cả party. Bạn cũng chẳng thể solo trong trường hợp này mà dễ dàng chiến thắng kẻ thù được, nhất là những lúc đối đầu với mini-boss. Đó là chưa kể, Sword Art Online: Alicization Lycoris không có thiết lập độ khó, nhưng trao cho bạn cả khối cơ hội “gian lận”. Người chơi có thể lên kế hoạch tác chiến, cùng party tung những đòn tấn công liên hoàn “đúng người, đúng thời điểm” mà vẫn tự lực cánh sinh giành chiến thắng.
Ở góc độ người chơi, mặc dù chapter đầu mang nặng tính thử thách sự kiên nhẫn của người chơi, phần trải nghiệm còn lại được chấp bút khá tốt. Kỳ thực, nếu từng xem series anime Sword Art Online: Alicization, bạn có thể bỏ qua phần lớn nội dung trong chapter này. Đây chính là phần nội dung chuyển thể từ anime và kể lại trong trải nghiệm game. Toàn bộ cốt truyện về sau được chấp bút hoàn toàn mới, không nối tiếp nội dung anime mùa thứ tư là Sword Art Online: Alicization – War of Underworld.
Điều thú vị là phần “tự biên tự diễn” được đội ngũ biên kịch cân bằng rất tốt đất diễn của mỗi nhân vật. Song song đó, họ cũng hé lộ thêm nhiều câu chuyện kể gợi tò mò về thân thế của nhân vật Medina. Đó cũng là yếu tố quan trọng để giữ chân những người chơi đã xem bộ anime Sword Art Online: Alicization. Ngay cả một số “khuôn mặt đáng thương” mà nhân vật chính từng xem là kẻ thù cũng không phải ngoại lệ. Chỉ có điểm trừ nhỏ là nhiều góc quay cô gái tóc đỏ này tạo cảm giác vô tình một cách cố ý rất khó diễn tả.
Hệ thống nhiệm vụ cũng có vài vấn đề đáng bàn về các nhiệm vụ phụ. Thay vì cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết trong menu Quest, người chơi phải quay lại gặp NPC để lấy thông tin nếu lỡ quên chi tiết. Vấn đề ở chỗ, nhiệm vụ phụ đa phần đều không có hệ thống “dò đường dẫn lối”, đòi hỏi bạn phải tự khám phá màn chơi rộng lớn để tìm địa điểm làm nhiệm vụ. Vấn đề ở chỗ, mặc dù NPC có cung cấp tên địa danh nhưng trên bản đồ lại không hiển thị thông tin này, khiến việc tìm vị trí làm nhiệm vụ phụ nhiều khi rất ức chế.
Trong khi đó, chỉ khi nào bạn tiếp cận rất gần với địa điểm làm nhiệm vụ phụ mới có biểu tượng chỉ báo xuất hiện, nhiều khi mang cảm giác hay không bằng hên. Ngược lại, nhiệm vụ chính luôn có mũi tên chỉ dẫn “đi đến nơi, về đến chốn” nên không bao giờ sợ lạc. Đáng nói, hệ thống nhiệm vụ phụ không chỉ để tăng yếu tố khám phá mà dường như còn nhằm phục vụ ý đồ kéo dài thời gian trải nghiệm của người chơi. Vì bạn cần phải hoàn thành những nhiệm vụ này để kiếm điểm kỹ năng và kinh nghiệm cho nhân vật làm nhiệm vụ chính.
Đồ họa cũng là một điểm cộng khác của Sword Art Online: Alicization Lycoris so với những phần chơi cũ. Môi trường màn chơi được thiết kế khá đẹp và đa dạng chủ đề. Trò chơi còn hỗ trợ cả HDR để mang đến hình ảnh lộng lẫy hơn nếu ti vi của bạn có hỗ trợ tính năng này. Khâu xử lý âm thanh tiếng động cũng khá ấn tượng, trong khi nhạc nền chỉ ở mức “tròn vai”. Lồng tiếng cũng không hề ngoại lệ khi thật sự thổi hồn cho các nhân vật, nhất là dàn “nam thanh nữ tú” mà bạn tương tác thường xuyên trong trải nghiệm game.
Dù vậy, Sword Art Online: Alicization Lycoris lại khiến tôi cảm thấy khó hiểu với hệ thống save game khá hạn chế khi xét ở một JRPG. Người chơi chỉ có thể save game thủ công một file duy nhất, trong khi lại phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống autosave cũng như file save được tạo ra mỗi khi bạn hoàn thành một chapter. Tương tự, Kirito là nhân vật duy nhất có thể nhận nhiệm vụ. Nếu bạn chuyển sang nhân vật điều khiển khác thì sẽ không thể nhận nhiệm vụ được nữa. Tôi nghĩ đây là lỗi game chứ không phải tính năng.
Sau cuối, Sword Art Online: Alicization Lycoris mang đến một trải nghiệm nhập vai vô cùng hấp dẫn với đồ họa đẹp và câu chuyện kể hấp dẫn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là chapter đầu tiên dài lê thê và việc tải dữ liệu thường xuyên có thể thử thách lòng kiên nhẫn của không ít người chơi. Thế nhưng, nếu yêu thích series anime Sword Art Online và JRPG, đây chắc chắn vẫn là cái tên rất đáng chú ý mà bạn không thể bỏ qua khi so với những vấn đề nói trên.
Sword Art Online: Alicization Lycoris được phát hành cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.