Ikebana là tên gọi nghệ thuật cắm hoa truyền thống của Nhật Bản có lịch sử lâu đời, bắt nguồn từ thế kỷ thứ VII. Cách thức cắm hoa là phong tục đầy tinh tế, nơi thiên nhiên thở thành chủ thể một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đơn giản.
Ikebana tạo nên hình thế và khí chất tác phẩm bằng cách sắp xếp cành cây, ngọn hoa, nhành lá thành một tổng thể bày tỏ cảm xúc tâm tư người cắm.
Từng đạt đỉnh cao vào thế kỷ 16, nghệ thuật cắm hoa truyền thống của Nhật Bản đang được vực dậy với ngày càng nhiều người tham gia luyện tập. Ngày nay, Ikebana chú trọng đến sự sáng tạo từ màu sắc, hình thế đến đường nét. Các thành phần truyền thống như cỏ tre, cành mận được xen lẫn với hoa cỏ theo mùa của từng vùng.
Để hiểu thêm về Ikebana, hay còn gọi là Hoa đạo (kadou), hãy cùng tìm hiểu lịch sử ra đời, triết lý tiềm ẩn cũng như những phong cách cơ bản của loại hình nghệ thuật này.
1. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGHỆ THUẬT CẮM HOA CỦA NHẬT BẢN
Shinto, quốc giáo của Nhật Bản đến năm 1945, có truyền thống tôn thờ thực vật và sự phong phú của tự nhiên. Nhiều loài hoa cỏ được gán cho ý nghĩa đặc biệt và trở thành lễ vật cúng tế các linh hồn kami trong Thần đạo. Vào thế kỷ thứ VII, khi Phật giáo du nhập đến Nhật Bản, hoa bắt đầu được dùng cho việc cúng tế. Cắm hoa xuất hiện lần đầu trong các lễ cúng đền chùa, dần dà phổ biến và mang tính biểu tượng. Đến cuối thế kỷ XV, Mạc chúa Ashikaga Yoshimasa đã trở thành người đề xướng vĩ đại cho Trà đạo và Hoa đạo. Ông tin rằng lễ vật cúng tế thần linh đòi hỏi sự dày công và đặc biệt, từ đó bắt đầu đưa ra những quy tắc cho nghệ thuật cắm hoa Ikebana sau này.
Đến thế kỷ XVI, các trường phái khác nhau của Ikebana được thành lập và dần thoát ly khỏi bối cảnh tôn giáo nghiêm ngặt. Cắm hoa thường được các tướng lĩnh Nhật Bản thực hiện vì họ tin rằng nó có thể giúp giải phóng tâm trí để đưa ra những quyết định đúng đắn trên chiến trường. Thời điểm này, người ta cũng có những hốc nhà đặc biệt gọi là tokonoma dùng để đặt hoa.
Mặc dù Ikebana đã giảm đáng kể sau thế kỷ XVII, nhưng ngày nay vẫn còn hơn 1.000 ngôi trường giảng dạy loại hình nghệ thuật này. Trong đó bao gồm cả Ikenobō, ngôi trường rộng lớn và lâu đời nhất được xây dựng bởi một nhà sư vào thế kỷ XV, nằm bên trong đền Rokkaku-dō tại Kyoto.
2. TRIẾT LÝ ẨN CHỨA TRONG NGHỆ THUẬT CẮM HOA IKEBANA
Ở Nhật Bản, mỗi loài cây cỏ đều chứa đựng một ý nghĩa riêng biệt. Vậy nên người ta rất cẩn trọng và nghiêm ngặt trong việc lựa chọn nguyên vật liệu để cắm hoa. Ví như, cây thông mang ý nghĩa vĩnh hằng thường được sử dụng trong dịp năm mới. Vào mùng 3 tháng 3 hằng năm, những cành đào nở rộ được sử dụng cho Tết Búp bê. Tre dẻo dai tượng trưng cho sức trẻ trong khi những cành mai nở rộ là biểu tượng của tuổi già.
Ý nghĩa của Ikebana được thể hiện qua bố cục cũng như màu sắc. Gió lớn ở Nhật Bản thường xảy ra vào tháng 3, vậy nên trong thời gian này, người ta hay cắm các nhánh cong để phản chiếu sự chuyển động của gió. Hoa trắng được sử dụng trong dịp tân gia, vì chúng tượng trưng cho nước, giúp chủ nhà thoái khỏi mọi đám cháy, trong khi ngược lại, hoa đỏ như lửa sẽ bị tránh đi. Ngôn ngữ của loài hoa, còn được gọi là hanakhotoba, sẽ giúp ta hiểu thêm về ý nghĩa cụ thể của từng loại cỏ cây ở Nhật Bản.
Khi Ikebana trở thành một phần văn hóa Nhật Bản thông qua đạo Phật, nó mang thêm nhiều ý nghĩa triết học xuất phát từ tôn giáo. Các học viên Ikebana tin rằng nên chuyên chú và kiên nhẫn cắm hoa trong im lặng. Khía cạnh thiền định này giúp người cắm thấu hiểu cỏ hoa sâu sắc, sắp xếp bố cục đẹp đẽ và trên hết là gần gũi thiên nhiên hơn.
Quan trọng là người cắm phải hiểu được cách chế tác các nguyên vật liệu để điểm tô thêm vẻ đẹp trời phú vốn dĩ của chúng. Những đóa hoa có thể được ngắt ra và gắn lại ở một vị trí tương thích hơn về mặt thẩm mỹ hoặc chăng, có thể bị cắt tỉa để làm nền cho những bông hoa khác. Những cành nhánh có thể được uốn cong hoặc duỗi thẳng cho những tạo hình phức tạp. Cả vật liệu khô và tươi đều được cắt hoặc sơn khi cần thiết để hài hòa bố cục.
Nghệ thuật cắm hoa Ikebana có nhiều trường phái và phong cách khác nhau nhưng vẫn theo một nguyên tắc cơ bản về một tam giác tỷ lệ, trong đó có các chủ thể tượng trưng cho Nhật – Nguyệt – Địa; hoặc cũng có thể là Thiên – Nhân – Địa. Việc lựa chọn chiếc bình cũng khá quan trọng, vì lượng nước và cách tiếp xúc với không khí của nó có thể ảnh hưởng đến bố cục tổng thể.
3. NHỮNG TRƯỜNG PHÁI CỦA NGHỆ THUẬT CẮM HOA IKEBANA
Như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, Ikebana đã trải qua nhiều phong cách khác nhau xuyên suốt các giai đoạn lịch sử của đất nước. Đa số các trường học đều giảng dạy một trong hai trường phái chính, ra đời và phát triển sớm nhất trong lịch sử Ikebana:
Phong cách Rikka
Rikka, hiểu nôm na là “cắm hoa thẳng đứng”, một phong cách phát triển từ thế kỷ XV dưới thời Muromachi. Rikka chính là khởi thủy của những gì làm nên Ikebana bây giờ.
Phong cách Rikka shofutai trang trọng tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt, thường sử dụng hệ thống dây quấn để tạo nên cảnh quan hài hòa. Bố cục của phong cách này gồm chín nhánh được gọi là yakueda, nhằm tái hiện những đặc tính của tự nhiên. Mỗi nhánh sẽ được sắp xếp vị trí theo chiều cao, thường cố định trong một chiếc bình từ 20 cm đến 30 cm bằng bàn chông.
Phong cách Rikka shimputai hiện đại ra đời vào năm 1999, cho phép người cắm thoát khỏi khuôn khổ nghiêm ngặt của Rikka shofutai để sáng tạo hơn. Thay vì chín chủ thể, cách cắm shimputai dựa trên hai phần tương phản của màu sắc, kết cấu hay vật liệu trong một chiếc bình duy nhất. Cách cắm hoa hiện đại này được tiếp nhận và ưa chuộng bởi hình dáng nổi bật, tươi sáng.
Phong cách Nageire
Còn được gọi là Heika hoặc Nageirebana, phong cách này được tạo ra từ nhân gian thế tục. Trong khi vẫn bật lên được đặc tính và ý nghĩ của thiên nhiên, Nageire ít cứng nhắc hơn Rikka – khởi nguồn như một tế phẩm.
Bản chất của sự phóng khoáng này xuất phát từ truyền thuyết về một Samurai đã ném hoa vào miệng bình. Sự sắp xếp ngẫu nhiên đó đã sinh ra Nageire, nghĩa là “ném vào”. Thành phần tam giác và màu sắc hài hòa ở Rikka được sử dụng lỏng lẻo trong Nageire. Ở phong cách này, bàn chông không thường được sử dụng và các tác phẩm nghiêng là điển hình, trong đó gồm có 3 loại Thẳng (Chokutai), Cong (Shatai) và Thác (Suitai).